Hà Giang: Tích cực tuyên truyền an toàn thực phẩm cho bà con dân tộc thiểu số

Lâu nay, vấn đề an toàn thực phẩm mới chỉ được quan tâm ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp, trường học hay bệnh viện. Còn khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì lại chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân một phần do bà con có thói quen sử dụng kinh nghiệm dân gian trong việc thu hái, nấu ăn các loại như rau, nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế.

Ăn các loại thực phẩm từ thiên nhiên như nấm độc, các loại rau quả rừng là vấn đề đáng báo động ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên trong đó đã có những trường hợp tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề đối với những người bị ngộ độc, mặc dù đã được cứu chữa kịp thời. Tình trạng này càng phổ biến vào thời điểm mùa xuân và mùa hè.

Những vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải quả độc, lá độc diễn ra liên tiếp trong thời gian qua tại các khu vực có bà con dân tộc thiểu số sinh sống như Lạng Sơn, Hà Giang, Tây Nguyên… ngày càng ra những sự cố đáng tiếc.

Hồi năm 2023, tại Lạng Sơn, có 18 người nhặt được một loại hạt lạ, có hình dáng gần giống hạt dẻ nên mang về cùng ăn. Sau ăn khoảng 30 phút, họ đều xuất hiện buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, được đưa đi bệnh viện điều trị kịp thời. Họ đã được chẩn đoán là ngộ độc, được xử trí rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, bù dịch, điện giải. Sau xử trí, bệnh nhân ổn định, kết quả xét nghiệm chức năng gan thận, chuyển hóa trong giới hạn bình thường nên đã được xuất viện. Từ loại hạt do gia đình bệnh nhân mang đến, các bác sĩ xác định đây là hạt của cây Trẩu, có chứa chất độc Saponosid. Hạt Trẩu có chứa dầu béo, thường dùng để pha sơn hoặc dùng làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu. Do chứa độc tính nên người bệnh sau khi ăn phải hạt cây Trẩu từ 30 phút đến 4 giờ sẽ có các triệu chứng tức ngực, đau đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể đại tiện ra máu, đau đớn toàn thân, khó thở, co giật, tê liệt và tử vong.

An toàn thực phẩm vẫn là một lĩnh vực còn xa lạ với bà con dân tộc thiểu số và vùng núi!

An toàn thực phẩm vẫn là một lĩnh vực còn xa lạ với bà con dân tộc thiểu số và vùng núi!

Thực trạng đó cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Những năm qua, tại các địa phương có bà con dân tộc thiểu số sinh sống đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm. Các địa phương từ đó có thể chủ động có các biện pháp dự phòng tích cực, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, không để vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, hạn chế biến chứng nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm, các ngành chức năng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như truyền thông qua các buổi họp chợ phiên, qua hệ thống pa nô, áp phích, phát các tờ rơi và truyền thông bằng cả tiếng dân tộc để bà con không ăn uống các thực phẩm bẩn, không đảm bảo chát lượng an toàn thực phẩm cũng như không thu hái, không chế biến các món ăn từ nấm mọc hoang dại trong rừng, đặc biệt là nấm độc, bột ngô mốc và các loại rau quả rừng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân ngay tại cộng đồng. Nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho thành viên Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ động triển khai truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Là một địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần 90%, Hà Giang cũng rất chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm cho bà con. Nhằm chủ động phòng chống các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên thường xảy ra theo mùa, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch thành lập các đoàn làm việc, tập huấn kỹ năng truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm cho thành viên Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã về an toàn thực phẩm, đặc biệt là nhận biết những loại thực phẩm có độc tố tự nhiên, giúp người dân nhận thức, thực hành tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, biết cách lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn để phòng tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra tại các xã.

“Mèn mén” xuất phát từ tiếng Quan Hỏa Trung Quốc, có nghĩa là "bột ngô hấp”

“Mèn mén” xuất phát từ tiếng Quan Hỏa Trung Quốc, có nghĩa là "bột ngô hấp”

Đồng thời, Chi cục hướng dẫn cho thành viên Ban Chỉ đạo CSSKND xã, trưởng thôn, nhân viên y tế thôn, bản biết cách truyền thông trực tiếp tại thôn, bản, trường học, cấp phát sổ tay, tờ rơi cho các hộ gia đình tại thôn, bản, chợ phiên và học sinh tại lớp học; treo Pano, áp phích tuyên truyền tại trung tâm huyện, xã. Ngoài ra tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của UBND xã, Trạm Y tế xã vào buổi họp chợ phiên, họp thôn, bản, buổi tiêm chủng hàng tuần, hàng tháng.

Nội dung truyền thông cung cấp, chia sẻ một số thông tin, hình ảnh liên quan đến tình hình ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ngộ độc do độc tố tự nhiên, ngộ độc có nguồn gốc vi sinh vật trên địa bàn tỉnh Hà Giang những năm gần đây; Hướng dẫn tổ chức truyền thông trực tiếp tại thôn, bản, trường học, hộ gia đình; cách nhận biết và phòng tránh ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ đông người ăn; hướng dẫn cách xử trí ban đầu khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng các động, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc. Không nên ăn các loại hoa, quả từ cây rừng, nấm rừng không rõ nguồn gốc. Không nên sử dụng bột ngô để lâu, bị nấm mốc để chế biến món ăn như bánh trôi, bánh ngô…

Hoàng Quân

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ha-giang--tich-cuc-tuyen-truyen-an-toan-thuc-pham-cho-ba-con-dan-toc-thieu-so-128607.htm