Hà Giang: Xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ nền kinh tế
Hà Giang tập trung phát triển nông nghiệp đồng thời xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ nền kinh tế, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình. Với trên 80% lao động sinh sống ở khu vực nông thôn, ngành Nông nghiệp luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là đối với Hà Giang, tỉnh địa đầu Tổ quốc có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Với lợi thế về tiểu vùng khí hậu, Hà Giang có cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá phong phú và đa dạng. Đến nay, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã hình thành được chuỗi giá trị như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà...
Trong đó, sản phẩm cam Sành đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.677 ha cam, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng tại 38 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Sản phẩm cam Sành Hà Giang cũng đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Cùng với cam Sành, chè Shan tuyết Hà Giang cũng đang trở thành thương hiệu mạnh với thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã có mặt tại các châu lục với hơn 20 quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh duy trì ổn định vùng sản xuất tập trung tại 43 xã đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý của các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang với tổng diện tích trên 13.200 ha.
Trước tình hình đó Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh phải xác định: Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội; phát triển ngành dựa trên 3 trụ cột chính đó là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Dũng cũng ghi nhận, biểu dương sự cố gắng nỗ lực và kết quả đạt được khá toàn diện của ngành nông nghiệp thời gian qua, đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong bối cảnh khó khăn do thời tiết, dịch bệnh.
4 nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành nông nghiệp
Nhìn nhận vào thực tế, mặc dù nông nghiệp của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ nhưng tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển đổi số vào sản xuất hạn chế.
Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá để thu hút, khuyến khích đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản và áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm cây cam Sành.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị Đảng ủy Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đảm bảo thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; chủ động nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương trong lĩnh vực của ngành; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc sở; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các địa phương; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, ý thức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, các đề án, chương trình, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển đổi cây ngô, cải tạo vườn tạp. Phải xác định, ngành nông nghiệp vẫn là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội; phát triển ngành dựa trên 3 trụ cột chính đó là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo từng lĩnh vực và nhóm sản phẩm có lợi thế. Về trồng trọt, quan tâm sản xuất theo hướng tập trung, gắn với đẩy mạnh thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở công nghệ cao, phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Về chăn nuôi, cần đẩy mạnh, khuyến khích chăn nuôi hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, gắn với thu mua, giết mổ tập trung. Quan tâm phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, trồng rừng, triển khai thí điểm trồng rừng phòng hộ, bán tín chỉ các-bon, phấn đấu mục tiêu người dân sống được bằng nghề rừng; tham mưu UBND tỉnh giải quyết nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất theo Kết luận của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Thứ tư, chỉ đạo quyết liệt ngành nông nghiệp đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP giá trị cao, có năng lực cạnh tranh trên thị trường; làm tốt công tác khuyến nông, dự báo cung cầu thị trường giá cả; liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa; triển khai hiệu quả chợ nông sản 4.0, sàn giao dịch sản phẩm OCOP.