Hà Lan chi tỷ USD giữ chân 'trụ cột tuyệt đối' bán dẫn toàn cầu
Chính phủ Hà Lan vừa lên kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD để giữ chân ASML - tập đoàn nắm giữ công nghệ cốt lõi, độc quyền trong ngành sản xuất chip bán dẫn.
Theo Reuters, hôm 28/3, chính phủ Hà Lan công bố khoản 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) sẽ được đầu tư vào khu vực Eindhoven, nơi ASML - tập đoàn nắm giữ công nghệ cốt lõi, độc quyền trong ngành sản xuất chip bán dẫn đặt trụ sở, để cải thiện các vấn đề về nhà ở, giáo dục, giao thông và điện lưới.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Micky Adriaansens, đây là một phần trong "Chiến dịch Beethoven" nhằm làm giảm mối lo ngại của ASML về môi trường kinh doanh tại nước này, đồng thời không để ASML rời đi.
Nội các Hà Lan cũng dự định giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp. "Khi những chính sách này được thực hiện, chính phủ tin ASML sẽ tiếp tục đầu tư và duy trì trụ sở chính ở Hà Lan", người phát ngôn của Nội các cho biết.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, tờ báo địa phương De Telegraaf tiết lộ ASML cân nhắc di dời địa điểm hoạt động. Nguyên nhân được cho là vấn đề chính sách liên quan đến thuế cho người nhập cư có tay nghề cao. CEO ASML Peter Wennink cho rằng điều này khiến ASML gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự chủ chốt.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tại trung tâm công nghệ Eindhoven cũng là điều khiến ASML "lung lay", trong đó có các vấn đề quan trọng như đường cao tốc, nhà ở, hệ thống lưới điện nơi công ty đặt trụ sở không được quan tâm đúng mức.
Theo Reuters, phản ứng trước nỗ lực giữ chân của Chính phủ Hà Lan, ASML bày tỏ hoan nghênh nhưng cho biết họ vẫn đang trong quá trình quyết định nơi sẽ phát triển trong tương lai.
ASML là công ty duy nhất có công nghệ xây dựng máy móc sản xuất chip bán dẫn bằng kỹ thuật in khắc cực tím và như các nhà sản xuất chip đã tuyên bố, EUV - Công nghệ mới nhất để cắt các tấm silicon mỏng (Extreme Ultraviolet lithography) - là tương lai của các tấm wafer được cắt mỏng. ASML được ví như "nút thắt" trong ngành bán dẫn do không có đối thủ trên thị trường. Hơn nữa, ASML đã làm việc trên một thế hệ máy in thạch bản mới có tên là high-NA-EUV. High-NA-EUV sẽ cho phép các nhà sản xuất chip bán dẫn tạo ra bộ xử lý 2nm, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sản xuất chip.
Ngoài ra còn có một phương pháp hoặc công nghệ khác để cắt các tấm wafer, được gọi là Deep Ultraviolet Lithography (DUV), nhưng đó là một cách cũ hơn và kém hiệu quả hơn. ASML có một số đối thủ cạnh tranh từ các đối thủ như Canon và Nikon, nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, ASML vẫn chiếm khoảng 62% thị trường.
ASML bán máy cắt chip EUV của mình với giá khoảng 200 triệu USD/bộ và tất cả các nhà sản xuất chip bán dẫn lớn, bao gồm Intel, NVIDIA và TSMC đều phải mua những chiếc máy này.