Hà Lan - cuộc chuyện trò của nước
Hà Lan - đất nước của hoa lá, cây cối rì rào bên những dòng kênh xanh hiền hòa, tươi sáng khiến người ta ngỡ tưởng tự nhiên yên bình. Nhưng đằng sau vẻ tươi sáng, thanh bình ấy là nỗ lực và trí tuệ làm chủ tự nhiên, chế ngự dòng chảy của người Hà Lan.
Nước và công cuộc chinh phục tự nhiên kỳ vĩ
Khu di sản Kinderdijk với 19 chiếc cối xay gió là một trong những di sản văn hóa thế giới của Hà Lan. Dijk trong tiếng Hà Lan có nghĩa là đê. Ở Hà Lan, có ba lớp đê bảo vệ vùng đất thấp bên trong. Ba lớp đê ấy lần lượt là: đê canh chừng (the watch dijk), đê mơ mộng (the dreamer dijk) và đê say ngủ (sleeping dijk). Kinder trong tiếng Hà Lan có nghĩa là "đứa trẻ". Có rất nhiều cách lý giải cho tên gọi Kinderdijk (những đứa trẻ đắp nên bờ đê hay một người đắp đê có rất nhiều trẻ nhỏ) nhưng đến nay "vì sao gọi là Kinderdijk" vẫn là một câu hỏi chứa đầy bí mật. Nguyên tắc của những chiếc cối xay gió ở Kinderdijk là bơm nước từ vùng thấp tới chỗ cao hơn, và lên nơi cao hơn nữa rồi đổ ra sông. Sông sẽ chảy ra biển. Tất cả phải mất ba lượt để nước ngược dòng đi từ thấp lên cao.
Chiếc cối xay gió như một ngôi nhà, bên trong là gia đình, nếp sinh hoạt của những người thợ sống trong những chiếc cối xay gió (miller). Những chiếc giường bé xinh với dáng hình chóp tứ giác, vừa khít khung của thân cối xay. Những chiếc bàn ghế, tủ, mọi thứ đều được đục đẽo vừa vặn với khung của chiếc cối xay gió. Ngày nay, đã có máy móc với sức bơm lớn, thay thế cối xay gió bơm nước từ vũng trũng ra biển khơi. Chiếc cối xay gió Hà Lan vẫn đứng đó hát lên điệu nhạc của tự nhiên, của tiếng gió xạc xào - những âm thanh thân thuộc của làng quê nội cỏ và trở thành biểu tượng văn hóa của Hà Lan.
Người Hà Lan bảo rằng nhìn cách sắp xếp các cánh quay của chiếc cối xay gió, người ta có thể biết người chủ chiếc cối xay như thế nào: khi hai cánh của chiếc cối xay xếp dọc thành đường thẳng, anh ta đang nghỉ ngơi. Khi một cánh tiến gần tới vị trí của số 6 (trong đồng hồ), có một điều gì gió sắp tới (như là một em bé sắp sinh). Khi một cánh tới góc 45 phút, có một người vừa qua đời. Người Hà Lan kể rằng trong chiến tranh, để báo hiệu quân giặc tới, họ sẽ dùng vòng quay của chiếc cối xay làm dấu hiệu.
Những chiếc cối xay gió cần mẫn làm việc là không đủ. Quyết định táo bạo của người Hà Lan là việc họ dám chặn dòng chảy của biển. Xây đê ngăn chặn dòng chảy tự nhiên là việc làm phi thường của con người. Nhưng tự nhiên lại vô cùng kỳ vĩ và biến hóa. Dòng chảy bị đứt quãng hai bên đê ngày đêm gào thét và sóng táp vô hồi vào những con đê chắn sóng của Hà Lan. Nước biển mặn mòi hóa thành dòng nước ngọt. Cá tôm biến mất. Người Hà Lan quyết định nối lại dòng chảy tự nhiên. Và từ những con đê, những chiếc cửa lớn được hình thành. Cửa thường mở trong những ngày yên bình, biển lặng và sẽ đóng lại khi bão tố xảy ra, ngăn cản nước lũ vào thành phố. Người Hà Lan đã cho xây dựng những cánh cửa lớn cao và rộng như tháp Eiffel để đối đầu với những trận đại hồng thủy, để ngăn nước biển và để đứng vững trước sức ép ngút ngàn từ gió bão.
Người Hà Lan nói "biển trao tặng mà biển cũng lấy đi" (sea gives and sea takes). Chúng ta không thắng được tự nhiên, không thắng được biển cả, nhưng có thể làm chủ và dẫn dắt. Thay đổi hướng các dòng chảy, dẫn dắt chúng sang những hồ chứa để cùng chung sống, để thiên tai không nhấn chìm những thành phố xinh đẹp, những đồng cỏ xanh tốt là cách mà người Hà Lan làm chủ tự nhiên và xây dựng nên hình hài đất nước. Người Hà Lan có câu: "Chúa tạo ra thế giới và người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan", đất nước của những cuộc trị thủy kỳ vĩ.
Nước, guốc gỗ và phô mai
Nhắc tới Hà Lan cũng là nhắc tới xứ sở của guốc gỗ, sữa và phô mai. Gouda là một thành phố làm phô mai có tiếng ở Hà Lan và nhiều nước châu Âu. Đến Gouda cũng như nhiều thành phố khác, dễ thấy ở khu chợ trung tâm có một tòa nhà để cân. Bên ngoài tòa nhà này có bức điêu khắc những người nông dân tới cân phô mai, một người đọc cân, và đặc biệt một người A Rập. Người Hà Lan tin rằng người A Rập là người làm ra phô mai đầu tiên. Vùng đất trũng và dồi dào nước của Hà Lan khiến những chiếc tháp nhà thờ không thể xây quá cao và thường nghiêng lệch, nhưng cũng bởi vậy mà cỏ mọc xanh tốt và bò cho ra lượng sữa dồi dào cùng chất lượng sữa tốt, nhờ đó có phô mai ngậy sữa và thơm ngon.
Câu chuyện về nước, sữa bò, phô mai cũng gắn liền với câu chuyện về guốc gỗ. Ở vùng đất trũng, nhiều mưa và ngập nước như Hà Lan, những chiếc guốc gỗ che chở đôi chân khi mưa gió và đặc biệt là sức nặng của những chú bò. Khi người nông dân ngồi vắt sữa, với đôi guốc gỗ, bàn chân của họ được bảo vệ khi không may bị những chú bò giẫm phải.
Nơi dòng sông kể chuyện
Rotterdam là một thành phố cảng lớn của Hà Lan, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng. Rotterdam có cảng lớn nhất châu Âu và có sân bay. Rotterdam là cầu nối giữa phía nam và phía bắc Hà Lan: cây cầu bắc ngang sông Rotterdam đưa ta tới với Amsterdam (một thành phố cảng khác ở phía bắc Hà Lan, nay là thủ đô nước này).
Chính nhờ vị trí chiến lược ấy, ở chiến tranh thế giới thứ hai, quân Đức đã quyết tâm chiếm được thành phố này. Người Hà Lan kể rằng "Họ nói họ chiếm được Hà Lan trong một ngày". Và quan trọng nhất để chiếm được Hà Lan, đó là nắm được Rotterdam. Thủy quân Hà Lan đã làm hết sức để bảo vệ cây cầu trên sông Rotterdam. Họ đã giữ cây cầu suốt 4 ngày trước khi cả trung tâm thành phố bị bom tàn phá. Thứ duy nhất còn lại sau trận bom ấy là tháp nhà thờ cổ. Vì vậy ở ngay gần ga trung tâm thành phố hiện nay, có một bức tượng bằng sắt với ý nghĩa "thành phố không có trái tim" vì trái tim của thành phố đã bị phá nát. "Chúng ta đã ngụp lặn ở khúc sông đó, gắng hết sức để bảo vệ cây cầu, bảo vệ thành phố và đất nước nhỏ bé này cho tới khi quân Đức quyết định nổ bom".
Rotterdam giờ là một thành phố hiện đại, cây cầu Erasmus dáng như cánh hạc trắng vắt ngang sông Rotter, nối hai bờ dọc dài những cao ốc chọc trời, cửa kính hắt ánh nắng lấp lánh. Nhưng phía cây cầu cũ bị phá hủy, vẫn còn đó vết thương và phía xa xa là tháp nhà thờ của thành phố cũ.
Điều tuyệt vời ở Hà Lan là mọi người có thể nói nhiều ngoại ngữ, thông thạo tiếng Anh dù là người lớn tuổi. Người Hà Lan kể rành rọt lịch sử của dân tộc mình. Tất nhiên vì có môn học nào hay như môn lịch sử và chẳng phải chúng ta ai cũng học lịch sử ở trường đó sao.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-kham-pha/ha-lan-cuoc-chuyen-tro-cua-nuoc-680838/