Hạ Lang tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nhằm nỗ lực tạo việc làm, tạo cho sinh kế cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương, huyện Hạ Lang đẩy mạnh đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng đổi mới, mở rộng ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hạ Lang Hà Đình Hùng cho biết: Đào tạo nghề cho LĐNT đang là một trong những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, mở lối sinh kế để giúp người dân có cơ hội nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Trung tâm tham mưu huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn tập trung thông tin, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương. Huy động sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền về công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, công tác dạy nghề.

Năm 2024, huyện được bố trí kinh phí thực hiện giáo dục nghề nghiệp trên 3 tỷ đồng, trong đó 1,8 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và hơn 1,2 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với các đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với các xã: Kim Loan, An Lạc, Lý Quốc, Minh Long, Thị Hoa, Quang Long và thị trấn Thanh Nhật tổ chức 7 lớp đào tạo nghề cho 350 LĐNT với các nghề đào tạo theo nhu cầu của người dân như: nuôi gà, lợn hữu cơ, trồng rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, sửa chữa máy nông nghiệp… Hình thức đào tạo nghề đa dạng, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các xóm. Sau khóa đào tạo học nghề, LĐNT ứng dụng vào phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, thúc đẩy thế mạnh sản xuất nông nghiệp địa phương, tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông cụ.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông cụ.

Anh Hoàng Văn Công, xóm Đoỏng Hoan, thị trấn Thanh Nhật vừa tham gia lớp sửa chữa máy nông nghiệp được tổ chức tại thị trấn Thanh Nhật chia sẻ: Sau khoảng 3 tháng đào tạo, tôi hiểu được nguyên lý vận hành máy móc và được hướng dẫn trực tiếp cách sửa chữa các loại máy nông nghiệp đơn giản. Với cách học vừa lý thuyết, vừa thực hành, tôi có thể tự sửa chữa, thay thế các loại máy cơ bản của gia đình mình khi cần thiết, tôi sẽ mở một cửa hàng sửa chữa nhỏ để tăng thêm thu nhập.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về vai trò của đào tạo nghề cho LĐNT. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình học nghề phù hợp với điều kiện địa phương để giúp học viên tìm kiếm nghề phù hợp và ổn định sau đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện.

Tiến Dũng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ha-lang-tap-trung-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-3171452.html