Hạ màn thương vụ vũ khí bí mật giữa Pháp và Pakistan

Hơn 25 năm sau thương vụ mua bán vũ khí giữa Pháp và Pakistan, ngày 7-10 vừa qua, Tòa án Hình sự Paris tiến hành phiên tòa đầu tiên xét xử 6 nhân vật liên quan tới vụ việc trên.

Không đơn thuần là một hợp đồng thương mại, thương vụ này được cho là có “bàn tay ngầm” để huy động nguồn tài trợ trái phép giúp cựu Thủ tướng Pháp khi đó là Edourard Balladur chạy đua vào ghế tổng thống năm 1995.

Mạng lưới mang mật danh “K”

6 người xuất hiện tại Tòa án Hình sự Paris ngày 7-10 vừa qua gồm có Nicolas Bazire, cựu Giám đốc chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Balladur; Renaud Donnedieu de Vabres, nguyên Cố vấn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Francois Léotard; Thierry Gaubert, thành viên nội các của Bộ trưởng Ngân sách Nicolas Sarkozy; Dominique Castellan, cựu lãnh đạo của Cục Đóng tàu (DCNI); cùng với hai nhân vật trung gian là Abdul Rahman El-Assir, người Tây Ban Nha gốc Liban và Ziad Takieddine, người Pháp gốc Liban.

Những người này nằm trong một mạng lưới trung gian mang tên “K” được chính phủ của Thủ tướng Édouard Balladur thiết lập năm 1994 nhằm hoàn thiện hợp đồng vũ khí với Pakistan.

Tuy nhiên, hai nhân vật chủ chốt là cựu Thủ tướng Edourard Balladur và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Francois Léotard không xuất hiện tại phiên tòa do hồ sơ của họ được chuyển về Tòa án Công lý Cộng hòa (RGC). Tòa án này được thành lập để xét xử các vụ án liên quan tới các cựu thành viên và thành viên chính phủ đương nhiệm.

Xuất hiện ngay trong ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử, ông Dominique Castellan, 82 tuổi, cho biết, tháng 6-1994, ông được một thành viên nội các của Bộ trưởng Quốc phòng Francois Léotard giới thiệu về mạng lưới trung gian mang mật danh “K”, trong các cuộc đàm phán để bán tàu ngầm Agosta ở Pakistan.

Cựu Thủ tướng Pháp Edouard Balladur. Ảnh: AFP.

Cựu Thủ tướng Pháp Edouard Balladur. Ảnh: AFP.

“Đó là mệnh lệnh của ông Donnedieu de Vabres. Đừng chần chừ nữa. Ông hãy đặt hàng từ mạng này”, người này đã nói với ông Dominique Castellan. “Tôi đã nhận được đơn đặt hàng hoàn toàn chính thức này”, cựu kỹ sư Dominique Castellan nhấn mạnh thêm.

Năm 1994, Pháp ký hai hợp đồng bán vũ khí lớn, theo đó Paris bán 3 tàu ngầm quân sự dòng Agosta 90B trị giá 5,5 tỉ franc (826 triệu euro) cho Pakistan và bán 3 tàu chiến La Fayette cho Saudi Arabia trị giá 19 tỉ franc (gần 3 tỉ euro). Các hợp đồng này được ký trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Francois Mitterrand và Thủ tướng Edouard Balladur.

Tuy nhiên, việc ông Edouard Balladur thất bại trước ông Jacques Chirac trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1995 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hợp đồng mua bán vũ khí trên. Tổng thống Jaques Chirac khi lên cầm quyền đã hủy bỏ việc thanh toán hoa hồng cho các trung gian Pakistan.

Hai vụ án trong một

Ông Edouard Balladur sinh ngày 2-5-1929. Ông từng tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia Pháp. Năm 1964, ông là Thư ký của Chánh văn phòng Nội các của Thủ tướng Pháp, và trở thành Chánh văn phòng của Văn phòng Thủ tướng năm 1966-1968. Từ năm 1973 đến 1974, ông Edouard Balladur được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Văn phòng Tổng thống và trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính năm 1986. Năm 1993 ông được bầu làm Thủ tướng.

Theo hồ sơ của tòa án, khi còn là Thủ tướng, ông Edouard Balladur đã thiết lập một hệ thống “hoa hồng” để tạo thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng vũ khí với Pakistan và Saudi Arabia. Những khoản tiền hoa hồng, được xem là hợp pháp tại thời điểm đó, được gọi một cách khiêm tốn là “chi phí thương mại đặc biệt”.

Tham gia các cuộc đàm phán với phía Pakistan và Saudi Arabia cùng với Thủ tướng Edouard Balladur còn có Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Francois Léotard, hai nhà trung gian Ziad Takieddine và Abdul Rahman El-Assir. Hai người này đã được trả tiền để vận động Pakistan và Saudi Arabia mua vũ khí của Pháp.

Ở thời điểm đó, điều này không có gì bất hợp pháp. Nhưng các thẩm phán nghi ngờ rằng, những người trung gian đã “lại quả” một khoản tiền lớn cho ông Edouard Balladur thông qua các công ty để tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1995 của ông này.

Gia đình các nạn nhân vụ đánh bom ở Karachi năm 2002 tới dự phiên tòa xét xử ngày 7-10. Ảnh: AFP.

Gia đình các nạn nhân vụ đánh bom ở Karachi năm 2002 tới dự phiên tòa xét xử ngày 7-10. Ảnh: AFP.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1995, phe cánh hữu Pháp có 2 ứng cử viên tham gia là Thủ tướng sắp mãn nhiệm Edouard Balladur và Chủ tịch đảng Tập hợp vì nền cộng hòa (RPR) Jacques Chirac. Tuy nhiên, ông Jacques Chirac đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5-1995. Ngay sau khi trở thành chủ nhân Điện Elyseé, Tổng thống Jacques Chirac đã ra lệnh ngừng chuyển phần hoa hồng còn lại trong hợp đồng mua bán vũ khí dưới thời của ông Balladur cho Islamabad và Riyadh.

7 năm sau, vào ngày 8-5-2002 (đúng 3 ngày sau khi ông Jacques Chirac tái cử tổng thống lần thứ 2), một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở thành phố Karachi của Pakistan.

Một chiếc xe hơi chở đầy chất nổ đã lao vào một chiếc xe bus, làm 15 người thiệt mạng, trong đó có 11 kỹ sư Pháp thuộc bộ phận phụ trách công nghệ đóng tàu đang làm việc tại công trình đóng tàu ngầm Agosta. Ban đầu, Pakistan nhận định thủ phạm là Al-Qaeda và đã bắt giữ, thậm chí kết án tử hình một số nghi can. Tuy nhiên, những người này sau đó đều được trả tự do vì chứng cứ thiếu thuyết phục.

Cho đến khi một báo cáo mật được công bố vào năm 2008, ủng hộ một luận điểm rất khác: đó là hành động của một số quan chức Pakistan nhằm trả thù việc Pháp không chi trả các khoản tiền hoa hồng cho Islamabad.

Do vậy, từ hai vụ án riêng rẽ đã được các nhà điều tra gói gọn thành 1 vụ. Đó là điều tra cái chết của 11 người Pháp trong vụ tấn công ở Karachi, đồng thời làm sáng tỏ nguồn huy động tài chính cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Edouard Balladur.

Với sự tham gia của Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke thuộc Tòa án tài chính Paris vào tháng 9-2010, vụ Karachi đã chuyển hẳn sang hướng điều tra mới: cựu Thủ tướng Balladur bị nghi ngờ đã hưởng lợi từ khoản lại quả phi pháp của các hợp đồng bán khí tài quân sự cho Pakistan và Saudi Arabia.

Những khoản “lại quả” bất thường

Theo Le Monde, mặc dù các tài khoản được mở cho chiến dịch vận động tranh cử của cựu Thủ tướng Edouard Balladur đã được Hội đồng Hiến pháp phê chuẩn vào thời điểm đó, nhưng vẫn có một số bất thường, ví dụ như một lượng lớn tiền mặt có nguồn gốc không rõ ràng gửi vào một trong những tài khoản này.

Mùa hè năm 2011, một nhân chứng đã loại trừ khả năng các quỹ bí mật tài trợ bằng tiền mặt cho Điện Matignon (Phủ thủ tướng Pháp). Điều này củng cố dấu vết “lại quả” của Pakistan đối với cá nhân ông Edouard Balladur.

Một số bản tường trình của nhân chứng còn cho thấy, các khoản thu này không chỉ đơn thuần đến từ “việc bán áo thun và đồ lưu niệm” như cựu Thủ tướng Balladur vẫn luôn khẳng định. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp giai đoạn 1995-1997 Charles Millon còn cho phóng viên tờ Le Figaro biết: “Về hợp đồng với Pakistan, theo báo cáo của các cơ quan tình báo và một số phân tích của Bộ Quốc phòng, chúng tôi gần như tin chắc rằng đã có những khoản lại quả phi pháp”.

Trước đó, ông Jean-Louis Porchier, một cựu quan chức quốc phòng cấp cao cũng nhận định với Ủy ban điều tra của Quốc hội rằng, “hoa hồng cho hợp đồng tàu ngầm Agosta lên đến 800 triệu franc (122 triệu euro) là quá nhiều và vô căn cứ”.

Vào tháng 9-2011, ông Nicolas Bazire, Ziad Takieddine và Thierry Gaubert bị tòa triệu hồi với các tội danh “đồng lõa và che giấu việc lạm dụng tài sản của công ty”.

Vụ đánh bom ở Karachi năm 2002 mở đường cho một cuộc điều tra pháp lý nhằm vào ông Edouard Balladur. Ảnh: AFP.

Vụ đánh bom ở Karachi năm 2002 mở đường cho một cuộc điều tra pháp lý nhằm vào ông Edouard Balladur. Ảnh: AFP.

Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke tiết lộ rằng, hai nhà môi giới Ziad Takieddine và Thierry Gaubert đã nhận được một khoản hoa hồng 33 triệu euro cho hoạt động của “mạng lưới K” ở Pakistan, sau đó đã gửi tiền này tới một công ty ở Luxembourg.

Báo cáo của cảnh sát Luxembourg cho thấy, Bộ trưởng Ngân sách vào thời điểm đó, ông Nicolas Sarkozy, là người đứng ra thành lập và quản lý công ty trên. “Công ty này có thể đã được sử dụng để nhận tiền “lại quả” từ các đối tác và tài trợ một phần cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Edouard Balladur”, Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke nhận định.

Ngoài ra, Thẩm phán Ruymbeke cũng có trong tay sổ kỳ hạn về việc chi thu của hợp đồng bán tàu chiến La Fayette cho Saudi Arabia. Ông phát hiện Bộ Quốc phòng Pháp khi đó đã yêu cầu đối tác trả 10 triệu franc (1,5 triệu euro) trước ngày 31-3-1995, tức không lâu trước vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp.

Phía Saudi Arabia đã thực hiện chuyển khoản 10 triệu franc vào ngày 26-4-1995. Và rất “tình cờ”, cũng đúng ngày hôm đó, tài khoản dành cho chiến dịch tranh cử của ông Balladur tại ngân hàng Crédit du Nord cũng nhận được 10,25 triệu franc.

Từ báo cáo của cảnh sát Luxembourg, các nhà điều tra đã tìm ra mối quan hệ giữa các ông Nicolas Bazire, Thierry Gaubert và Nicolas Sarkozy. Ông Nicolas Bazire có chân trong Hội đồng quản trị của tập đoàn thời trang hàng đầu thế giới LVMH (với các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Christian Dior, Kenzo, Givenchy, Guerlain…).

Ông cũng chính là người làm chứng trong hôn lễ giữa ông Nicolas Sarkozy và bà Carla Bruni. Trước khi chuyển sang kinh doanh, ông từng là Chánh văn phòng của Thủ tướng Edouard Balladur. Truyền thông Pháp khi ấy cho rằng, “2 Nicolas” (Sarkozy và Bazire) là những nhân tố quan trọng trong chiến dịch tranh cử năm 1995 của ông Balladur.

Trong khi đó, ông Thierry Gaubert cũng từng là một trong những “cánh tay mặt” của ông Nicolas Sarkozy lúc còn là Thị trưởng thành phố Neuilly và Bộ trưởng Ngân sách giai đoạn đầu thập niên 1990. Ông Thierry Gaubert đã giúp ông Sarkozy xây dựng và điều hành rất hiệu quả mạng lưới quan hệ với lãnh đạo các công ty tại Neuilly.

Một trong những chứng cứ quan trọng để thẩm phán Ruymbeke quyết định khởi tố 2 cộng sự thân tín của ông Nicolas Sarkozy là Thierry Gaubert và Nicolas Bazire về tội “lạm dụng tài sản xã hội” hồi năm 2012 là lời khai của bà Hélène Gaubert, vợ của ông Thierry Gaubert. Bà kể ông Gaubert từng nhiều lần đi cùng doanh nhân Ziad Takieddine sang Genève, Thụy Sĩ, để lấy “những vali to tướng đựng đầy tiền” trong giai đoạn 1994-1995, rồi sau đó chuyển lại cho ông Bazire khi về Pháp. Vào thời điểm đó, ông Nicolas Sarkozy đang là Tổng thống nên tên của ông “không xuất hiện trong bất kỳ yếu tố nào của vụ án”.

Tuy nhiên, các thẩm phán Renaud Van Ruymbeke và Roger Le Loire đã thu thập được bằng chứng thuyết phục rằng cựu Thủ tướng Edouard Balladur và ông Nicolas Bazire là kiến trúc sư của một mạng lưới tài chính chính trị rộng lớn thông qua hợp đồng vũ khí.

Cuối tháng 5-2017, cựu Thủ tướng Edouard Balladur đã bị điều tra về tội đồng phạm và lạm dụng trái phép tài sản xã hội, còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Francois Léotard bị điều tra về tội đồng lõa lạm dụng tài sản xã hội. Ông Nicolas Sarkozy bị thẩm vấn với vai trò nhân chứng phụ trợ (vai trò giữa nhân chứng thông thường và đối tượng điều tra).

Theo Le Monde, phiên tòa xét xử các nhân vật liên quan tới thương vụ mua bán vũ khí giữa Pháp và Pakistan sẽ diễn ra đến hết 31-10 tới. Trong khi 6 nhân vật trong “mạng lưới K” bị xét xử tại Tòa án Hình sự Paris, thì cựu Thủ tướng Edouard Balladur và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Francois Léotard sẽ phải đối mặt với các thẩm phán tại Tòa án Công lý Cộng hòa.

Yên Bình (Theo báo chí Pháp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ha-man-thuong-vu-vu-khi-bi-mat-giua-phap-va-pakistan-565970/