Hà Nam rót hơn 2.000 tỷ đồng để phát triển trục giao thông chiến lược

Dự kiến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tỉnh Hà Nam sẽ rót hơn 2.000 tỷ đồng để đầu tư vào 3 dự án hạ tầng giao thông chiến lược.

Đầu tư 2.000 tỷ đồng vào giao thông để phát triển kinh tế

Ngày 6/8, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết: "Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tỉnh Hà Nam sẽ khởi công hàng loạt các dự án giao thông mang tính mục tiêu nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh đã được quy hoạch và tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội".

Hệ thống đường giao thông đang được Hà Nam chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng loạt các khu công nghiệp đang triển khai và tạo đà phát triển kinh tế xã hội. (Ảnh: Nút giao đường nối 2 cao tốc với cầu Thái Hà (Thái Bình) và cầu Hưng Hà (Hưng Yên) và đường nối 2 đền Trần)

Hệ thống đường giao thông đang được Hà Nam chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng loạt các khu công nghiệp đang triển khai và tạo đà phát triển kinh tế xã hội. (Ảnh: Nút giao đường nối 2 cao tốc với cầu Thái Hà (Thái Bình) và cầu Hưng Hà (Hưng Yên) và đường nối 2 đền Trần)

Theo đó, sẽ có 3 dự án được triển khai gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô (giai đoạn 1); Dự án xây dựng tuyến đường gom phía Bắc và phía Nam quốc lộ 38 đoạn Phủ Lý - Kim Bảng; và dự án đầu tư hoàn thiện hạ tầng quốc lộ 38 đoạn từ nút giao với QL1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý đến nút giao QL21B, địa phận huyện Kim Bảng.

Trong đó, hai dự án đường song hành Vành đai 5 và dự án đường gom quốc lộ 38 do Ban QLDA ĐTXD tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Dự án còn lại do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư.

Ngoài các dự án mục tiêu được tỉnh Hà Nam chuẩn bị triển khai trong năm 2025, hiện nay có một số dự án lớn được triển khai ở Hà Nam, như: Tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn qua Hà Nam dài 15,5km, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng - đã hoàn thành); Cải tạo nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa (tổng mức đầu tư 525 tỷ đồng - đã hoàn thành).

Bên cạnh đó, Dự án đường liên kết vùng nối QL1 với nút giao Liêm Sơn lên đền Trần Thương (Lý Nhân) và nối sang đền Trần (Nam Định) trị giá 3.600 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 10/2025; Nút giao Phú Thứ (1.400 tỷ đồng) hoàn thành tháng 10/2025; dự án cầu Tân Lang và đường liên kết vùng nối đường Vành đai 4 với Vành đai 5 (tổng mức đầu tư 1.496 tỷ đồng) hoàn thành vào năm 2025, dự án Đường song hành với QL21 trị giá 100 tỷ đồng, tuyến đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính…

Trục hành lang Đông Tây thứ 2 của Hà Nam đang được gấp rút triển khai thi công, trước khi trục thứ 3 được khởi công xây dựng.

Trục hành lang Đông Tây thứ 2 của Hà Nam đang được gấp rút triển khai thi công, trước khi trục thứ 3 được khởi công xây dựng.

Phấn đấu rút ngắn tiến độ, sớm phát huy hiệu quả đầu tư

Ông Hưng cho biết: Đối với Hà Nam, dự án đường bộ song hành Vành đai 5 được xem là dự án trọng yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở khu vực giáp ranh Hà Nội. Đây là tuyến đường hành lang Đông Tây thứ 3 của tỉnh sau đường nối hai cao tốc và dự án đường liên kết vùng (nối QL1A với nút giao Liêm Sơn lên đền Trần Thương (Lý Nhân) và nối sang đền Trần (Nam Định).

Tuyến đường dự kiến sẽ có chiều dài 8,4km, theo quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Đường có quy mô mặt cắt mỗi bên đường song hành rộng 12m. Phần giữa sẽ GPMB trước để sau này xây dựng đường Vành đai 5 theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Tuyến có điểm đầu nằm trên QL21B (đoạn bờ hữu sông Nhuệ) nối nút giao đường Lê Công Thanh kéo dài (ở xã Tiên Tân, TP Phủ Lý) và nối vào nút giao Phú Thứ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), sau đó nối thông ra nút giao đường nối 2 cao tốc tại nút giao xã Bình Nghĩa (Bình Lục).

Đường song hành Vành đai 5 sẽ kết nối với nút giao Phú Thứ đang triển khai, tạo thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng, thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nam với các tỉnh trong khu vực, giữa Hà Nam với cả nước.

Đường song hành Vành đai 5 sẽ kết nối với nút giao Phú Thứ đang triển khai, tạo thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng, thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nam với các tỉnh trong khu vực, giữa Hà Nam với cả nước.

Dự án này được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua với số vốn đầu tư dự kiến là 1.450 tỷ đồng, trong đó, vốn xây lắp là 650 tỷ đồng, còn lại là tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành quá trình lập dự án để cuối năm nay khởi công. Thời gian thực hiện dự án được tính từ năm 2024 (thời điểm chuẩn bị đầu tư) cho đến năm 2027. Tuy nhiên, đơn vị sẽ cố gắng rút ngắn tiến độ, đưa dự án về đích sớm hơn dự kiến”, ông Hưng cho hay.

Còn dự án đường gom 2 phía Nam, Bắc quốc lộ 38 có chiều dài 3,1km mỗi bên. Đây là dự án mang tính chất cấp bách nhằm nâng cao năng lực khai thác của tuyến quốc lộ 38, làm giảm ùn tắc giao thông trên tuyến khi các khu công nghiệp, khu đô thị của Kim Bảng đi vào hoạt động.

Ngoài ra, dự án còn tạo cảnh quan và không gian phát triển đô thị, tạo bước đột phá trong ngành dịch vụ du lịch cũng như khai thác triệt để lợi thế vị trí chiến lược của tỉnh Hà Nam, góp phần phát triển KT-XH huyện Kim Bảng.

Dự án có tổng mức đầu tư là 694,61 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách tỉnh Hà Nam. Thời gian thực hiện dự án được tính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư (năm 2024) và hoàn thành vào năm 2027.

“Dự án này có thuận lợi là khối lượng giải phóng mặt bằng không nhiều, chủ yếu đất nông nghiệp, đất khu đô thị chưa sử dụng. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ khởi công và hoàn thành dự án luôn trong năm 2025”, ông Hưng chia sẻ.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-nam-rot-hon-2000-ty-dong-de-phat-trien-truc-giao-thong-chien-luoc-192240806200424247.htm