Hạ ngầm dây điện, cáp quang mang lại lợi ích lâu dài
Việc hạ ngầm đường dây điện, cáp quang giúp làm đẹp cảnh quan đô thị, hệ thống lưới điện, hệ thống mạng an toàn hơn.
Khoảng 45% số đường phố được hạ ngầm dây điện, cáp quang
Theo Điện lực TP Hải Dương, đến ngày 10/1, toàn thành phố có khoảng 54% hệ thống lưới điện đã được hạ ngầm, các cột điện sau trạm biến áp cũng được thay thế bằng các tủ công tơ bảo đảm mỹ quan đô thị. Đơn vị cũng đang phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục hạ ngầm và thu dọn đường dây điện tại một số tuyến đường Ngô Quyền, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Phạm Quý Thích…
“Ngoài thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa lưới điện của công ty, khi UBND TP Hải Dương có chủ trương đầu tư, cải tạo các tuyến đường, chúng tôi đều phối hợp để hạ ngầm hệ thống đường dây, thay thế cột điện bằng các tủ điều khiển tại các khu vực này theo yêu cầu", Phó Giám đốc Điện lực TP Hải Dương Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2024, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đã hạ ngầm hệ thống cáp quang được khoảng 45% số đường phố của các địa phương. Trong đó, Viễn thông Hải Dương là đơn vị đi đầu ngầm hóa hệ thống cáp quang, chiếm khoảng 80% số cáp quang đã được hạ ngầm trong toàn tỉnh.
Việc ngầm hóa mạng cáp quang đã được Viễn thông Hải Dương triển khai từ trước năm 2000 nhằm bảo đảm an toàn mạng lưới và mỹ quan đô thị. Tính đến hết năm 2024, Viễn thông Hải Dương đã thực hiện ngầm hóa được hơn 3.400 km, chiếm gần 40% đường cáp quang do đơn vị quản lý.
Theo lãnh đạo Viễn thông Hải Dương, ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công, Viễn thông Hải Dương luôn tuân thủ nguyên tắc xây dựng mạng lưới bền vững, có hướng tuyến dự phòng, bảo đảm độ an toàn mạng lưới trong trường hợp xảy ra sự cố. Hầu hết các tuyến cáp truyền dẫn chính đều được kéo ngầm trong cống bể hoặc chôn trực tiếp, do vậy giảm thiểu sự cố do đứt cáp...
Đẹp cảnh quan, an toàn hệ thống
Một số tuyến đường trên địa bàn TP Hải Dương gần đây sau khi được dọn “rác trời” đã trở nên thoáng đãng, sạch đẹp hơn. Một số tuyến đường nội đô như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lê Thanh Nghị, Thanh Niên… không còn cảnh dây diện, dây cáp quang chằng chịt dọc theo tuyến đường hoặc bó thành từng búi dây to tại các cột điện, thậm chí võng xuống cả vỉa hè.
Ở những tuyến phố này chỉ còn cột điện chiếu sáng, không còn cột điện chằng chịt các loại dây, hộp treo mắc, cả tuyến phố trở nên thoáng đãng, sạch sẽ. “Từ ngày các đơn vị điện lực, viễn thông hạ ngầm dây điện, dây cáp trước cửa nhà tôi thoáng hơn, cả con phố cũng đẹp lên rất nhiều. Chúng tôi không còn phải lo cảnh đường dây võng xuống hoặc có xe ô tô nào đi qua làm đứt dây rơi xuống đường nguy hiểm nữa”, ông Hoàng Văn Hùng, phố Quang Trung (TP Hải Dương) vui vẻ nói.
Cơn bão số 3 đổ bộ hồi tháng 9/2024 gây thiệt hại rất lớn, điện lực và các đơn vị viễn thông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, những đoạn lưới điện, mạng viễn thông đã hạ ngầm đều nhanh chóng được khôi phục ngay sau bão.
TP Hải Dương là địa phương ngầm hóa đường dây điện nhiều nhất tỉnh. Bão số 3 làm cây đổ gẫy vào đường dây gây mất điện, nhiều cột điện bị đổ, sau 2 ngày bão đổ bộ, Điện lực TP Hải Dương cấp điện trở lại cho khoảng 90% số khách hàng sử dụng điện trong toàn thành phố. Trong khi có nhiều địa phương khác phải mất 3-5 ngày để khắc phục thiệt hại, cấp điện trở lại cho người dân.
“Do ưu thế hạ ngầm được nhiều nên trong cơn bão số 3 vừa qua đơn vị ít bị ảnh hưởng nhất. Khi xảy ra các sự cố, chúng tôi chỉ việc khoanh vùng, loại bỏ các điểm bị sự cố để cấp điện trở lại dần cho các khách hàng. Qua bão lũ mới thấy lợi ích của việc ngầm hóa hệ thống lưới điện”, Phó Giám đốc Điện lực TP Hải Dương Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.
Tương tự nhờ hệ thống mạng cáp quang hạ ngầm lớn nhất nên trong cơn bão số 3 vừa qua, nhà mạng VinaPhone vẫn hoạt động ổn định, thậm chí ở một số địa phương đây là nhà mạng duy nhất có thể giữ liên lạc trong một hai ngày đầu sau bão. Để hỗ trợ các nhà mạng khác, VinaPhone còn chia sẻ sóng di động (roaming) để bảo đảm thông tin liên lạc.
Những lợi ích từ việc hạ ngầm hệ thống dây điện, cáp quang rất rõ ràng, nhưng để thực hiện còn nhiều khó khăn. Đó là vỉa hè một số tuyến đường chật hẹp, không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Một số khu vực người dân chưa đồng thuận chủ trương, không hợp tác với các đơn vị thi công... Trở ngại lớn nhất trong thực hiện ngầm hóa là vốn đầu tư. Chi phí để thực hiện ngầm hóa khá tốn kém trong khi nhu cầu đầu tư nâng cấp hệ thống điện, cáp quang nói chung còn nhiều hạng mục khác nên các doanh nghiệp chưa thể tập trung nguồn lực đầu tư. Mặt khác, việc hạ ngầm còn tùy thuộc vào chủ trương cải tạo, chỉnh trang đô thị của chính quyền địa phương nên các doanh nghiệp điện lực, viễn thông còn bị động... Do đó, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện, cáp quang trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được như kỳ vọng.