'Hạ nhiệt' con số tử vong do ô nhiễm không khí nhờ giảm phát thải amoniac
Sự giảm thiểu amoniac là một trong những giải pháp hiệu quả nhất về chi phí để cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe công cộng.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm các hợp chất nitrogen trong không khí, cụ thể là amoniac, có thể làm giảm đi con số 23,3 triệu năm sống mà người dân sống trên khắp thế giới vào năm 2013 bị mất liên quan đến nguyên nhân này, theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học của trường đại học Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn dắt đã sử dụng mô hình GAINS IIASA, cùng với những công cụ khác, để phát triển một trắc lượng mới mang tên “chia sẻ nitrogen” (N-share). Qua đó, ước tính sự đóng góp của các hợp phần nitrogen vào hạt bụi PM2.5 trong không khí ô nhiễm liên quan đến các tác hại về sức khỏe.
Giải quyết ô nhiễm các hợp chất nitrogen trong không khí (amoniac), có thể làm giảm đi con số 23,3 triệu năm sống mà người dân sống trên khắp thế giới vào năm 2013 bị mất. (Ảnh: Unsplash)
Theo đó, sự chia sẻ nitrogen biểu hiện ở sự đóng góp của một hợp chất chứa nitrogen nhất định bị nghi ngờ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thực tế, ô nhiễm không khí với bụi PM2.5 là một nhân tố rủi ro lớn nhất về môi trường cho sức khỏe con người trên toàn thế giới. Các hợp chất sulfur dioxide và nitrogen như nitrogen oxide (NOx), phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy nhiệt điện, lò đốt công nghiệp hoặc nồi hơi cũng như phát thải từ xe cộ, và phát thải amoniac (NH3) chủ yếu từ các nguồn nông nghiệp và tự nhiên cũng là những nguồn quan trọng liên quan đến sự hình thành của PM2.5 trong khí quyển.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sản xuất amoniac là nguồn phát thải carbon dioxide công nghiệp lớn thứ ba trên thế giới, tạo ra nửa tỷ tấn CO2 mỗi năm - tương đương 1.8% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Với việc sử dụng ba mô hình vận chuyển hóa học khí quyển, các nhà khoa học đã tiến hành mô phỏng toàn bộ nồng độ PM2.5 với những phát thải chứa thành phần nitrogen hoặc không có thành phần nitrogen.
Kết quả, họ tìm thấy các phát thải NH3 có đóng góp lớn hơn vào hạt bụi PM2.5 hơn là phát thải NOx. Sử dụng mô hình GAINS do IIASA phát triển, họ đã có thể định lượng được tiềm năng giảm thiểu phát thải và các chi phí tài chính.
Để ước tính tác động của những chương trình giảm thiểu và những gợi ý từ các kết luận liên quan đến chính sách, nhóm nghiên cứu đã so sánh các chi phí của việc giảm bớt thành phần nitrogen khắp các lĩnh vực và các quốc gia với những lợi ích của việc giảm sự tử vong.
Trong đó, sự đóng góp của NH3 vào bụi PM2.5 lớn hơn NOx, và trong phần lớn các quốc gia, đều cho thấy, sự hình thành của bụi PM2.5 bị NH3 ảnh hưởng lớn hơn NOx. Ngoài ra, từ giữa năm 1990 đến năm 2013, trên toàn cầu, những năm bị ô nhiễm bụi PM2.5 “lấy mất” do có thành phần nitrogen trong đó gia tăng từ 19,5 triệu năm đến 23,3 triệu năm.
Nghiên cứu đánh giá các chi phí và lợi ích của các hoạt động giảm thiểu phát thải NH3 và NOx và tìm thấy chi phí trung bình trên toàn cầu để giảm thiểu phát thải NH3 (1,5 USD mỗi kg NH3-N) thấp hơn bốn lần so với những lợi ích sức khỏe toàn cầu (6,9 USD mỗi kg NH3-N). Điều này có nghĩa là chi phí biên toàn cầu về giảm thiểu phát thải amoniac chỉ là giảm thiểu 10% phát thải nitrogen oxide, nó cho thấy việc giảm thiểu amoniac rẻ hơn và hiệu quả hơn.
“Mô hình GAINS là công cụ hoàn hảo để đánh giá chi phí giảm thiểu và ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, cho phép đưa ra những khuyến nghị và chính sách rất thực chất”, nhà nghiên cứu Shaohui Zhang ở IIASA chia sẻ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm.
Ngoài ra, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố một báo cáo cho thấy, số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí từ bụi mịn đã giảm 10% mỗi năm trên khắp khu vực châu Âu. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí vẫn là nguyên nhân gây ra cái chết sớm của 307.000 người mỗi năm.
Ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục là mối đe dọa về môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người trên toàn thế giới. Bệnh tim và đột quỵ gây ra hầu hết các ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, tiếp theo là đến các bệnh về phổi, bao gồm cả bệnh ung thư. Đối với trẻ em, ô nhiễm không khí có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.