Hà Nội '3 thông, 4 sẵn sàng' để phát triển kinh tế số, xã hội số

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, phồn vinh của Hà Nội. Trong quá trình ứng dụng công nghệ số, thành phố lựa chọn những vấn đề cấp thiết để tập trung giải quyết, đem lại lợi ích cho người dân.

Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và kỷ niệm các ngày lễ lớn trên địa bàn Thủ đô, trong đó có kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong không khí đó, Hà Nội đang phát động phong trào "3 thông, 4 sẵn sàng" nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn.

Nhiều kết quả tích cực

Phương châm “3 thông” bao gồm cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh, tư tưởng thông suốt nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển chuyển đổi số tại thủ đô Hà Nội, và kêu gọi người dân tích cực tham gia, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Cơ chế thông thoáng là việc đảm bảo mọi quy định, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia các dịch vụ số hóa. Điều này có nghĩa là mọi thủ tục giấy tờ, quy trình sẽ được số hóa, giảm thiểu sự phức tạp và tốn kém về thời gian.

Để quản trị thông minh, thành phố Hà Nội khuyến khích việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), để quản lý hiệu quả các hệ thống công cộng, dịch vụ và hoạt động đô thị. Các hệ thống này giúp Hà Nội cải thiện giao thông, y tế, giáo dục, và nhiều lĩnh vực khác bằng cách cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch.

Tư tưởng thông suốt hướng đến việc thay đổi tư duy và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Khuyến khích mọi người học hỏi, tiếp cận công nghệ và chủ động tham gia vào các hoạt động số hóa, từ việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đến việc thực hiện các giao dịch kinh tế, xã hội qua nền tảng số.

Như vậy, với phương châm “3 thông”, người dân Hà Nội không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng các dịch vụ công số, mà còn được hỗ trợ để thay đổi thói quen, tiếp cận những cơ hội mới trong môi trường số hóa, góp phần xây dựng một thủ đô hiện đại, tiên tiến và thông minh hơn.

“Bốn sẵn sàng” sẽ bao gồm sẵn sàng điện thoại thông minh, kết nối mạng và được cài đặt iHanoi; sẵn sàng định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ, an toàn thông tin và văn hóa trên không gian mạng; sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Dễ nhận thấy, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đang lan tỏa, thẩm thấu, đem lại hiệu quả tích cực trong mọi mặt đời sống tại Hà Nội.

Chuyển đổi số đang lan tỏa, thẩm thấu, đem lại hiệu quả tích cực trong mọi mặt đời sống tại Hà Nội.

Một trong những điểm nhấn đáng chú nhất trong năm 2024 là sự ra đời và lan tỏa mạnh mẽ của siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHaNoi". Ứng dụng này đã trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố…

Hà Nội cũng thí điểm thành công hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.

Vừa qua, tại lễ phát động và triển khai chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024 (10/10/2024), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, trong ứng dụng công nghệ số, Hà Nội lựa chọn những việc gắn với người dân, những vấn đề cấp thiết để tập trung giải quyết, đem lại lợi ích cho người dân.

Tuyên bố phát động chiến dịch tổ chuyển đổi số cộng đồng, ông Hà Minh Hải kêu gọi các thành viên ra quân "đi từng ngõ, gõ từng nhà", hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Các tổ chuyển đổi số cộng đồng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số; đào tạo kỹ năng số cho lao động, sinh viên và học sinh, xây dựng một thế hệ công dân có khả năng thích ứng với công nghệ và làm chủ tương lai.

Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số đang có sự lan tỏa, thẩm thấu và đem lại những kết quả thiết thực tại hầu hết địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội vừa phát động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia.

Hà Nội vừa phát động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia.

Đơn cử, tại quận Nam Từ Liêm, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Thúy Hà cho hay, hưởng ứng phát động phong trào chuyển đổi số của thành phố, những năm qua, quận đã tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ năng số cho 100% thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Đồng thời, tổ chức phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; xây dựng tuyến phố không dùng tiền mặt; mô hình chợ 4.0; xây dựng mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cửa hiện đại các cấp.

Đặc biệt, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng và triển khai thành công là "Mô hình nhà trọ chuyển đổi số" tại phường Phương Canh. Việc triển khai hiệu quả, thành công nền tảng quản lý nhà trọ là một điểm sáng để nhân rộng mô hình này trên toàn quận trong thời gian tới…

Trong khi đó, tại Long Biên, quận đã trang bị hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin cho bộ phận Một cửa từ mô hình chuẩn của thành phố để nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai hệ thống mã QR động cho việc thanh toán trực tuyến, tích hợp với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, sử dụng biên lai điện tử tại bộ phận "một cửa" 14 phường.

Các phường hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID và kết hợp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến….

Có thể nói, Hà Nội đang đóng góp tích cực trong chuyển đổi số từ cơ sở, cải thiện chỉ tiêu còn hạn chế về tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hà Nội khuyến khích các địa phương tiếp tục tạo sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng chuyển đổi số. Các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa các nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ.

Cụ thể, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có 99 nhóm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ cần sớm được triển khai. Các đơn vị, địa phương cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có việc số hóa các di tích, dữ liệu ngành nông nghiệp, giáo dục, y tế…

Ngày 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức lễ phát động và triển khai chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024 (10/10/2024).

Buổi lễ được kết nối trực tuyến tới 29 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của thành phố, đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, cuộc cách mạng lần thứ 4 đang mở ra một thế giới mới với không gian số vô tận.

Ngay trong quy hoạch Thủ đô trình Bộ Chính trị, Hà Nội đã xác định không gian số là 1 trong 5 không gian quan trọng. Đồng thời bên cạnh tài nguyên nhân văn thì tài nguyên số cũng được nhìn nhận là 2 nguồn tài nguyên mới của Hà Nội.

Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã được xác định là tất yếu đối với Hà Nội. Là khâu đột phá để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Nơi mà người dân, doanh nghiệp có thể tận dụng các công nghệ mới như AI, Bigdata ... nhằm thay đổi cách sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại Nam

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-3-thong-4-san-sang-de-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-1102909.html