Hà Nội: 6 tháng, tạm giữ gần 40 nghìn phương tiện vi phạm giao thông
6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra xử lý hơn 160 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ gần 40 nghìn phương tiện.
TNGT giảm 3 tiêu chí
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý III/2023 sáng nay (11/7), ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố giảm sâu cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, TP Hà Nội xảy ra 261 vụ TNGT, làm 122 người chết, 224 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 147 vụ (giảm 36,03%), giảm 101 người chết (giảm 45,29%), giảm 18 người bị thương (giảm 7,44%).
Về công tác khắc phục ùn tắc giao thông, đến nay đã xử lý được 5/37 điểm ùn tắc, khắc phục 5/8 điểm đen về TNGT.
Ngoài ra, việc tổ chức lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; khánh thành cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng cũng góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ước đạt 223,8 triệu lượt hành khách; tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển ước đạt 5 triệu lượt hành khách (tăng 63,7% so với cùng kỳ 2022).
Xử lý 160 nghìn trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 40.000 phương tiện
Theo ông Thường, 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng của công an TP, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra xử lý hơn 160 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 330 tỷ đồng; tạm giữ gần 40.000 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 29.307 trường hợp; trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn 37.094 trường hợp (so với cùng kỳ, tăng 34.217 trường hợp, gấp đến 10 lần).
Về xử lý vi phạm qua hệ thống camera, đã được lập biên bản 4.664 trường hợp, gửi thông báo cho 2.938 trường hợp vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo TTATGT tại Hà Nội vẫn có một số tồn tại, đơn cử như: Tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong giờ cao điểm trên một số tuyến trục chính nội đô, đường vành đai do lưu lượng phương tiện tăng cao, xảy ra va chạm giao thông, thi công công trình gây cản trở giao thông tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ. Một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải chưa tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với một số hành vi như không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tải trọng phương tiện…
Tại hội nghị, ông Thường cũng kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ để phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải nhằm bảo đảm TTATGT, cụ thể, đề xuất, đưa xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi vào loại hình như taxi.
Cùng với đó, chỉ đạo Cục Đường bộ VN xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (bao gồm cả quản lý phương tiện và người lái xe), phần mềm quản lý tuyến vận tải khách cố định toàn quốc, phần mềm quản lý bến xe toàn quốc để nâng cao công tác quản lý hoạt động vận tải.