Hà Nội: 7 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, giả thương hiệu lớn bị triệt phá trong tháng 4

Nhờ thường xuyên triển khai các kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, nhiều vụ vi phạm đã bị lực lượng chức năng của TP Hà Nội triệt phá và xử lý nghiêm.

Cụ thể, ngày 19/3/2021, Đội QLTT số 1 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 (Tổng cục Quản lý thị trường), Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội), tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Phát hiện gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại giành cho nam giới và tem nhãn dời (trong đó một số đã được dán nhãn và một số chưa dán nhãn) được bán hàng thông qua tài khoản mạng xã hội facebook.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Toàn bộ số hàng hóa trên đã được đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/3/2021, Đội QLTT số 1 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 (Tổng cục Quản lý thị trường ) đã kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ Số 43BT4 Khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang có 2.036 sản phẩm là pin dự phòng có chữ 20+ SAMSUNG trên bề mặt sản phẩm. Trong đó, 836 Pin dự phòng thể hiện xuất xứ "made in china". Mỗi sản phẩm được đựng trong vỏ hộp có in chữ SMART POWER; 100% HIGH CAPACITY LITHIUM BATTERY; POWER BANK có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG. Toàn bộ số hàng hóa trên đã được đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/3/2021, Đội QLTT số 16 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Long Biên), kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, Long Biên, TP. Hà Nội. Cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetreams bán hàng qua mạng xã hội facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử. Theo kiểm đếm sơ bộ, lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior… lên tới trên 3.000 sản phẩm.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa đồng thời khai nhận nhập hàng từ một nguồn không quen biết trên mạng xã hội để về kinh doanh kiếm lời. Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để làm việc với đại diện chủ thể quyền các hãng từ đó xác định mức độ vi phạm của cơ sở và xử lý theo quy định.

Ngày 31/3/2021, Đội QLTT số 1 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) đã ban hành 02 Quyết định kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh do ông Nguyễn Văn Ngọc làm chủ ở thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 21.798 sản phẩm hàng hóa các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu (gồm: 14.180 sản phẩm nhãn hiệu ADIDAS và hình; 740 sản phẩm nhãn hiệu NIKE và hình; 370 sản phẩm nhãn hiệu LV; 145 sản phẩm nhãn hiệu BURBERRY; 1.494 sản phẩm nhãn hiệu GUCCI; 258 sản phẩm nhãn hiệu SAMSUNG; 250 sản phẩm nhãn hiệu Dior; 920 sản phẩm nhãn hiệu CHANEL; 600 sản phẩm nhãn hiệu MANGO; 2.041 sản phẩm nhãn hiệu LACOSTE; 800 sản phẩm nhãn hiệu YVESSAINT LAURENT); 20.663 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; 5.788 sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Toàn bộ số hàng đã được Đội QLTT số 1 niêm phong, tạm giữ để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Ngày 02/4/2021, Đội QLTT số 17 và Đội QLTT số 11 (Cục QLTT TP Hà Nội ) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan tại địa chỉ số 17, tổ 10 Trinh Lương, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội.

Qua kiểm tra đã tạm giữ: 2.540 thùng (10.160 can) nước giặt có nhãn chữ Dnee, nước rửa chén có nhãn chưa thái lan và 18.850 tem nhãn bảo vì, 03 bộ máy trộn dung dịch. Hàng hóa tạm giữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ và giả mạo địa chỉ nơi sản xuất. Hồ sơ vụ việc vẫn đang tiếp tục được giải quyết theo quy định.

Ngày 6/4/2021, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã Đội tiến hành kiểm tra Công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu tại xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Qua kiểm tra Đội QLTT số 17 đã tạm giữ 2.400 can nước giặt giả mạo nhãn hiệu Dnee, Comfor đang được bảo hộ tại Việt nam; 45.000 tờ tem nhãn giả mạo; 1.800 vỏ thùng can có nhãn Dnee và 05 chiếc máy pha chế thành phẩm. Hiện hồ sơ vụ việc đang được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/4/2021, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) phối hợp với Phòng 6, Cục Cảnh sát môi trường (C05) - Bộ Công an và Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ E1.2-20 đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện tại kho hàng chưa số lượng lớn sản phẩm tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. Qua kiểm đếm ban đầu tại kho hàng có 13.900 sản phẩm tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. Tại thời điểm kiểm tra chủ lô hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Hiện, vụ việc đang được Đội QLTT số 17 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội tiếp tục kiểm tra để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

PT

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ha-noi-7-vu-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-gia-thuong-hieu-lon-bi-triet-pha-trong-thang-4-80817.htm