Hà Nội: Ấn tượng các lễ hội 'Tháng SEA Games'
Hà Nội đã chuẩn bị cho SEA Games 31 từ nhiều tháng trước, nhưng cho đến tháng 5/2022 mới thực sự là 'Tháng Lễ hội' đối với người dân Thủ đô và du khách thập phương. Song song với các trận đấu kịch tính đang diễn ra trên khắp các nhà thi đấu, sân vận động của Thành phố, các lễ hội cũng được tổ chức, tạo thành một 'sân chơi' bên lề hấp dẫn du khách và các đoàn vận động viên tham gia thi đấu tại Thủ đô.
Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022, Tuần lễ du lịch Bát Tràng, Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ năm 2022, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội,… là những Lễ hội nổi bật tại Hà Nội trong tháng 5, tạo hứng thú cho du khách đến với Hà Nội trong dịp trọng đại này.
Ngay từ đầu tháng 5, cách ngày diễn ra Khai mạc SEA Games 31 chỉ một tuần, Tuần lễ du lịch Bát Tràng và Lễ đón nhận quyết định công nhận Nghề gốm làng Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tổ chức đã trở thành một sự kiện mở màn cho các hoạt động lễ hội tháng 5, chào đón SEA Games 31.
Thời điểm này đã có nhiều khách du lịch về đây để cổ vũ đội nhà tham gia thi đấu. Tuần Lễ du lịch Bát Tràng với các hoạt động, sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, đã góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đồng thời gắn với tuyên truyền, quảng bá du lịch trong dịp diễn ra SEA Games 31.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lúc thịnh, lúc suy, cho đến nay, gốm Bát Tràng vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo và tinh xảo trong từng sản phẩm, đưa gốm sứ Bát Tràng ngày càng hội nhập và phát triển trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nét đẹp và độ tinh xảo của gốm Bát Tràng được thể hiện ở quy trình sản xuất thủ công trên bàn xoay, kiểu be trạch tạo xương gốm dày cùng kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ rót vào khuôn thạch cao.
Gốm Bát Tràng là sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo, từ việc lựa chọn nguồn nguyên liệu cầu kỳ và kỹ lưỡng, công cụ chế biến đặc trưng, quy trình và kỹ thuật chuyên biệt; đồng thời, gốm được sản xuất theo lối thủ công nên các sản phẩm từ gốm đa dạng, thể hiện rõ tài năng, sức sáng tạo của người thợ gốm Bát Tràng qua nhiều thế hệ.
Anh Suwannarat, một du khách Thái Lan cho biết, anh đã đi du lịch ở phía Tây Bắc Việt Nam được hơn một tuần, anh trở về Hà Nội để cổ vũ cho đội nhà. Nhân dịp này, anh đến với Tuần lễ du lịch Bát Tràng để để trải nghiệm. “Gốm Bát Tràng rất đẹp, rất gần gũi với người Đông Nam Á. Tôi thích nhìn cách mà các nghệ nhân làm ra những chiếc bình gốm. Thật thần kỳ!”, anh Suwannarat hào hứng chia sẻ.
Trong Tuần lễ du lịch Bát Tràng còn diễn ra các hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức hệ thống gian hàng trưng bày giới thiệu sản pẩm OCOP, tiền OCOP, các sản phẩm ẩm thực của làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Dương Xá,... và một số làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Tiếp theo Tuần lễ du lịch Bát Tràng, ngay tại không gian Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, lễ hội biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố đã thu hút hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách tụ tập về đây. Từ sáng ngày 6/5, du khách đã được thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc và cùng trải nghiệm ẩm thực đường phố của Hà Nội.
Các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật diễn ra như âm nhạc cổ điển, nhạc truyền thống, giao hưởng thính phòng, hát xẩm, ca trù, hát văn, hòa tấu nhạc dân tộc; các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại như nhạc jazz, rap, hiphop; các hoạt động biểu diễn khiêu vũ cổ điển, nhảy dân vũ, nhạy hiện đại; triển lãm sách, tranh, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt, sản phẩm thủ công; tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống như nặn tò he, thư pháp, xiếc, tạp kỹ đã tạo cho du khách những cảm xúc khó quên.
Anh Eka Tjipta, một du khách Indonesia cho biết, anh rất ấn tượng với không gian ẩm thực của lễ hội. “Tôi đến để cổ vũ đội nhà tham sự SEA Games 31. Tôi vừa thưởng thức một món ăn trên đường phố và nghe hát quan họ. Không gian sống động âm nhạc, đầy đam mê. Hà Nội là một trải nghiệm thú vị đối với tôi. Và còn tuyệt hơn nữa nếu các đội tuyển Indonesia gặt hái được nhiều huy chương tại SEA Games 31”, anh Eka Tjipta nói.
Tiếp nối chuỗi lễ hội của Thủ đô chào đón SEA Games 31, bắt đầu từ ngày 13/5-15/5, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 với chủ đề "Hà Nội - Đến để yêu" đã diễn ra tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức với quy mô và ý nghĩa sâu sắc, khuyến khích người dân Thủ đô và du khách khám phá các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội như Phố cổ Hà Nội, Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàng Thành Thăng long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,... nhằm giới thiệu những giá trị độc đáo, đặc sắc của làng nghề, ẩm thực Hà Nội.
Lễ hội có tổ chức các không gian nghệ thuật như: các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội là điểm checkin cho du khách; Khu gian hàng các đơn vị tài trợ, các tỉnh thành giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương; Khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế; các gian hàng và quầy du lịch giới thiệu các sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay; Khu không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu, giới thiệu món ăn, đặc sản nổi bật của Thủ đô tại khu vực nhà Bát Giác.
Xuyên suốt 3 ngày lễ hội, không gian ẩm thực Hà Nội được bố trí tại khu vực nhà Bát Giác, giới thiệu các đặc sản như bánh tôm hồ Tây, bánh cuốn cà cuống, nem Phùng, rau sắng,... tới các du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống như nón lá, đĩa mây, lẵng mây, lược sừng, tranh sơn mài,... cũng được bày bán, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách tham gia lễ hội lần này.
Lễ hội được tổ chức trong thời gian diễn ra SEA Games 31, là cơ hội vàng để giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội, cùng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn tới bạn bè các nước tới tham dự SEA Games 31.
Và từ ngày 20/5, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra tại phố Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Lễ hội sẽ tạo cơ hội để các đơn vị, nghệ nhân, làng nghề ẩm thực của Hà Nội, Việt Nam được quảng bá, giới thiệu sản phẩm ẩm thực, làng nghề và hình ảnh không gian ẩm thực, làng nghề truyền thống và hiện đại đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, như phở Hà Nội, chả cá, bún thang, bánh tẻ Sơn Tây, nem Phùng, xôi Phú Thượng, trà sen, cà phê trứng…
Tại lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiên hấp dẫn như: Triển lãm giới thiệu không gian các làng nghề du lịch tiêu biểu; hoạt động giới thiệu công đoạn sản xuất một số sản phẩm làng nghề, khu dành cho khách trải nghiệm thực hành một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề; hoạt động trình diễn thời trang áo dài từ sản phẩm lụa tơ tằm Vạn Phúc và các trang sức từ sừng, khảm trai. Giới thiệu tinh hoa ẩm thực Hà Nội như ẩm thực đường phố, ẩm thực dân gian, các món ăn xuất xứ từ các làng nghề ẩm thực; triển lãm ảnh làng nghề Hà Nội; Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Làng nghề gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng bố trí Khu trò chơi với các trò chơi dân gian cho cả gia đình, trẻ em với các trò chơi như kéo co, đi cà kheo, đánh đu, ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, đi cầu tre…; kết hợp có trò chơi e-sports với môn thi tại SEA Games 31 để du khách trải nghiệm.
Tại các địa phương đăng cai các môn thi đấu SEA Games 31, các hoạt động bên lề cũng vô cùng hấp dẫn đối với du khách và các đoàn thể thao. Điển hình là điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Trì với quy mô 25 gian hàng tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện để chào mừng SEA Games 31.
Trong các ngày thi đấu, các đoàn thể thao, vận động viên Bóng rổ và du khách đã có mặt tại Thanh Trì để thăm quan và cổ vũ các đội tham gia thi đấu. Được chiêm ngưỡng và mua sắm tại các gian hàng bên ngoài Nhà thi đấu, vận động viên và du khách quốc tế rất thích thú trước các sản phẩm truyền thống của huyện Thanh Trì và các đơn vị bạn có sản phẩm trưng bày tại hội chợ.
Ông Ms. Nirmala Dewi - Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Indonesia cho biết: Chúng tôi rất vinh dự khi được tới đây tham gia cổ vũ cho đội nhà và được thăm quan hội chợ. Các sản phẩm rất bắt mắt và ấn tượng". Còn ông Kho Photay - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Indonesia chia sẻ: “Rất vui khi được đến Hà Nội và tham gia trải nghiệm những hoạt động bên lề SEA Games 31. Sau khi thi đấu, chúng tôi sẽ đi thăm Hà Nội nhiều hơn và sẽ trải nghiệm thêm về các sản phẩm truyền thống tại địa phương nơi diễn ra môn thi đấu Bóng rổ”.
Hướng tới SEA Games 31, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm tạo không khí sôi động, khơi dậy niềm tự hào trong nhân dân, quảng bá hình ảnh Hà Nội và Việt Nam thân thiện, mến khách, an toàn, hấp dẫn đến với bạn bè quốc tế. Các sự kiện trước và trong SEA Games 31 góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, thúc đẩy phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Thủ đô Hà Nội.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-an-tuong-cac-le-hoi-thang-sea-games-140298.html