Hà Nội: Bàn giải pháp cải tạo chất lượng nước tại 4 dòng sông nội đô

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XV, nhiều đại biểu đã gửi câu hỏi đến lãnh đạo các sở, ngành về việc cải tạo môi trường nước cho các con sông nội đô. Trong đó, các đại biểu đều mong muốn thành phố phải có giải pháp căn cơ, cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Cải tạo môi trường cho các dòng sông của Thủ đô

Chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Vũ Mạnh Hải nêu vấn đề, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành tham mưu dự án xây dựng đường ống riêng để bổ trợ nước sông Hồng qua Hồ Tây cho sông Tô Lịch để cải tạo môi trường cho dòng sông. Do đó, đại biểu đề nghị Sở cho biết giải pháp bổ cập nước cho các sông còn lại gồm: sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu bao giờ thực hiện?

“Ngoài ra, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai đề án phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 sông nội đô: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu giai đoạn 2021 - 2025 định hướng 2030, đề nghị cho biết tình hình triển khai, khó khăn, vướng mắc?”, đại biểu Vũ Mạnh Hải chất vấn.

 Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong phát biểu tại phiên chất vấn

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong phát biểu tại phiên chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Kim Ngưu, sông Sét nằm hoàn toàn trong khu vực đô thị khoảng 17,5km2. Về giải pháp, toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; nước thải của sông Kim Ngưu, Sét được thu về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Về bổ cập nước cho các sông, theo Giám đốc Sở Xây dựng, để triển khai vấn đề này, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai bổ cập nước cho sông Tô Lịch, hiện Sở đang phối hợp cùng các đơn vị để triển khai. Việc triển khai với sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại, đây là nhiệm vụ nằm trong tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành. Đến nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì đề án để triển khai các giải pháp. Trong đó, tập trung cải thiện toàn bộ nguồn thải, thứ hai là bổ cập nước bằng hai nguồn chính: từ nguồn nước sau khi xử lý quay ngược lại cho các dòng sông; từ nguồn nước bên ngoài như từ sông Hồng để bổ cập.

Thiết kế cảnh quan cho 4 con sông nội đô

Cùng tham gia trả lời đại biểu về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cung cấp thêm thông tin liên quan đến đề án phục hồi môi trường nước, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc, cảnh quan 4 con sông nội đô giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Lê Thanh Nam, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở đã triển khai đồng bộ các nội dung của đề án, báo cáo UBND thành phố ở nhiều cuộc họp về vấn đề này, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung bất cập trong quá trình thực hiện cần hoàn thiện. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các giải pháp cần phải tổng thể hơn, xin thêm ý kiến của các chuyên gia về các giải pháp triển khai.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để bảo đảm công tác quy hoạch kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho 4 con sông nội đô cả về giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường sinh thái đô thị, theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các nội dung, giải pháp đưa ra được đề xuất theo hướng cải thiện chất lượng nước, duy trì dòng chảy sinh thái, tăng cường quá trình làm sạch tự nhiên của các con sông, bổ cập nước tự nhiên; quy hoạch môi trường thoát nước, cảnh quan bảo đảm trên nguyên tắc thu gom triệt để nước thải, mở rộng lòng sông, cây xanh hai bên bờ... “Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến dự án và dự kiến hoàn chỉnh trình UBND thành phố vào tháng 1.2025”, ông Lê Thanh Nam thông tin.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư bãi đỗ xe nội đô

Liên quan tới thực trạng thiếu bãi đỗ xe trong nội đô, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho hay, toàn thành phố có 1.690 điểm trông xe, theo quy hoạch diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng 30% nhưng thực tế mới đạt 0,5%. Tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe liên quan đến ùn tắc giao thông và an ninh trật tự. Đầu tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã chủ trì cuộc họp với các ngành về vấn đề này và thông báo danh mục chỉ đạo công việc liên quan đến nội dung này.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, mặc dù thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng vẫn khó khăn, do số vốn bỏ ra lớn mà nguồn thu thấp, nên khó thu hút đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được 9 dự án; trong đó đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa 73 danh mục này vào khuyến khích đầu tư.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, liên quan đến khu vực đỗ xe tạm, đã được đại biểu HĐND thành phố chất vấn tại các kỳ họp trước nhưng đây là vấn đề liên quan đến Luật An toàn giao thông, Luật Đường bộ, Luật Thủ đô. Tới đây, Sở sẽ tham mưu, trình UBND thành phố quy định 250 tuyến phố được phép trông xe với điều kiện bảo đảm không ùn tắc, góp phần bảo đảm trật tự đô thị.

Liên quan đến vấn đề thu phí, giá, theo ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, dự kiến sẽ hoàn chỉnh tờ trình trong quý I.2025.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ha-noi-ban-giai-phap-cai-tao-chat-luong-nuoc-tai-4-dong-song-noi-do-post399028.html