Hà Nội bàn giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Sở GD&ĐT Hà Nội lắng nghe đề xuất, kiến nghị từ các nhà trường để cùng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Chưa đạt được kỳ vọng
Chiều 25/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - 2023, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - 2024 với sự tham gia của hàng trăm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.
Báo cáo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Năm học 2022 - 2023, Hà Nội có 98.642 thí sinh thi tốt nghiệp THPT, trong đó khối THPT có 85.856 thí sinh, khối GDTX có 13.056 thí sinh.
Kết quả 98.206 thí sinh đỗ tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 99,56%; tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ thứ 27 lên vị trí 16).
Khối các trường THPT có 198 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn năm học trước. Trong đó, có 112 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn năm học trước, 149 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%, cao hơn so với năm học trước.
Điều đặc biệt, nhiều trường đã có nỗ lực để đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT 100% như THPT Bắc Lương Sơn, THPT Trần Đăng Ninh, THPT Tây Sơn, THPT Trần Phú - Ba Vì… Từ năm 2018 đến nay, toàn thành phố có 26 trường THPT luôn đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%.
Những con số trên có thể khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã có rất nhiều thành công cả về số lượng và chất lượng. Khoảng cách chất lượng giữa các trường đã thu hẹp đáng kể, chỉ có duy nhất 1 trường có tỉ lệ tốt nghiệp dưới 90%.
Tuy nhiên, cùng với những yếu tố tích cực, kết quả kỳ thi tốt nghiệp của thành phố vẫn còn chưa đạt được kỳ vọng của ngành. Cụ thể, 53 đơn vị có tỉ lệ thấp hơn trung bình của thành phố với tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp không thay đổi, luôn thấp hơn mức trung bình của thành phố.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, những đơn vị có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp thấp hơn trung bình hoặc không có chuyển biến đều là những trường có điểm đầu vào thấp, học sinh gặp khó khăn trong học tập. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế xã hội ở những khu vực này còn khó khăn nhất định, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn nhiều bất cập.
Cùng với đó, học sinh Hà Nội từ nhiều năm nay xét tuyển đại học bằng các chứng chỉ quốc tế. Các phương thức này không phụ thuộc vào kết quả các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nhiều học sinh cho rằng chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, không cần cạnh tranh, không cần cố gắng để đạt điểm cao hơn, dẫn đến phổ điểm một số môn thi của học sinh chưa cao.
Đề xuất các giải pháp
Tại hội nghị, đại diện các nhà trường đã có những ý kiến chia sẻ khó khăn đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (huyện Thạch Thất) cho biết: Những năm qua, dù có điểm đầu vào thấp nhưng chất lượng giáo dục của nhà trường đã được nâng cao. Đặc biệt, trường đã có 4 học sinh đoạt giải quốc gia.
Tuy nhiên do đặc thù địa phương có nhiều làng nghề, có điều kiện tham gia các hoạt động kinh tế nên nhiều học sinh không mặn mà với việc thi đỗ tốt nghiệp và sẵn sàng nghỉ học. Có học sinh đã lập gia đình từ năm học lớp 11.
Năm 2023, trường có 7 học sinh trượt tốt nghiệp, trong đó có 1 học sinh ngủ quên ở môn thi tiếng Anh. Đây là điều năm nay nhà trường cần rút kinh nghiệm để tăng cường phổ biến, quán triệt cho học sinh, phụ huynh nắm rõ quy chế thi, tránh sai sót đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh.
Trong khi đó, cô Trần Thị Hải Châu - Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập (huyện Mê Linh) đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội tập hợp giáo viên cốt cán các trường xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
Theo cô Châu, căn cứ ngân hàng đề và năng lực học sinh, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Đồng thời, nhà trường cũng mong Sở cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống Học và thi trực tuyến hanoi.study để học sinh tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn.
Cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) cho rằng, việc học tập, ôn luyện và củng cố kiến thức phải được thực hiện từ lớp 10 chứ không đợi đến lớp 12. Vì vậy, mỗi năm nhà trường có 4 kỳ kiểm tra định kỳ với học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ở tất cả các môn.
Những học sinh có điểm dưới 5 sẽ tham gia lớp học đặc biệt, được nhà trường phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy miễn phí vào cuối giờ học buổi chiều. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm động viên học sinh, giáo viên bằng nhiều hình thức, trong đó có việc khen thưởng giáo viên có nhiều học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm của nhà giáo là yếu tố quan trọng thúc đẩy kết quả thi tốt nghiệp THPT, nâng cao chất lượng dạy và học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường không phân biệt trường công hay trường tư cùng nỗ lực nâng cao chất lượng kỳ thi.
Các nhà trường tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây ở từng lớp, tiến hành phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể. Đồng thời, các đơn vị tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng của trường; hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.
Bên cạnh đó, các nhà trường chủ động rà soát, sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học học phù hợp điều kiện thực tiễn; thành lập các nhóm chuyên môn giữa các cụm, giữa các trường trong cụm, trong thành phố để chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu ôn tập; tổ chức đánh giá đúng thực lực học sinh để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng đề nghị lựa chọn giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán ở các nhà trường để ghi hình các chuyên đề ôn tập cho học sinh lớp 12 phát trên Đài Truyền hình Hà Nội.