Hà Nội ban hành kế hoạch xử lý chất thải ô nhiễm môi trường làng nghề
Theo mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành xử lý 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp.
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Việc ban hành Danh mục nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng các biện pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất tại các làng nghề truyền thống, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, một số Danh mục làng nghề đang ở mức báo động đỏ cần phải xử lý triệt để, những Danh mục làng nghề ô nhiễm có dấu hiệu mai một phải xử lý ô nhiễm kết hợp khôi phục sản xuất, lộ trình thực hiện đến hết năm 2025. Đối với những Danh mục làng nghề có dấu hiệu chưa ô nhiễm, cần tiếp tục kiểm soát chất lượng môi trường. Danh mục làng nghề mai một cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi "Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống" của UBND Thành phố, lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này, giám sát và đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội có 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm và 63 làng nghề không gây ô nhiễm. Trong đó khoảng 36% số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hơn 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn.
Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, bên cạnh đó cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn.