Khu tập thể Hàng Bông (ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổng diện tích khoảng 380m2. Cách đây gần 80 năm, nơi này từng là một khách sạn cao cấp được người Pháp xây dựng tại Hà Nội.
Được mệnh danh là một trong những khu đất đắt đỏ bậc nhất phố cổ khi giá đất mặt đường lên tới 300 - 400 triệu/m2, nhưng bên trong những con ngõ sâu hun hút như mật đạo, cư dân khu tập thể Hàng Bông phải đối mặt với đủ thứ phiền toái mỗi ngày.
Theo ghi nhận của PV VTC News, không gian sống của người dân khu tập thể Hàng Bông chật chội, bí bách. Hàng chục hộ dân ở đây phải chấp nhận dùng chung các tiện ích như bể nước, nhà vệ sinh.
Diện tích trung bình của một căn nhà ở đây là từ 10 - 30m2, được xé nhỏ từ khách sạn cũ để chia cho người dân. Hầu như các căn đều không đồng bộ về diện tích.
Do diện tích sinh hoạt quá chật chội, người dân đã phải tự cơi nới để có thêm không gian sống. Cách thường thấy nhất là phân tầng, chia thành các gác xép nhỏ để sống và vệ sinh cá nhân.
Ông N.H. (cư dân sống ở khu tập thể Hàng Bông) cho biết, đa phần người dân ở đây đều cơi nới để có thêm diện tích sinh hoạt, chứa đồ, phơi quần áo... "Do diện tích nhà ở quá chật hẹp nên một số hộ dân đã tận dụng gầm cầu thang lên xuống để làm nhà tắm mini với diện tích chưa đầy 2m2. Gia đình tôi có nhiều thành viên sinh sống tại đây cũng phải chia phòng thành những gác xép nhỏ để tiện sinh sống", ông H. chia sẻ.
Nhà của Bách (16 tuổi) chỉ rộng vỏn vẹn 16m2, chiều cao của nhà là 1m8 nên khi chia thành gác xép, người ở tầng trên hầu như chỉ có thể ngồi hoặc nằm chứ không thể đứng do không đủ chiều cao. "Việc tắm giặt, sinh hoạt cá nhân thì gia đình em phải xuống nhà vệ sinh chung để làm. Bất tiện nhất là lúc đi ngủ, phải nằm nghiêng hoặc áp sát vào mép tường vì diện tích quá chật", Bách nói.
Theo ông Quang (65 tuổi, khu tập thể Hàng Bông) do ở lâu ngày không trùng tu, sửa chữa, nên đường ống nước và các vật liệu đã bị xuống cấp theo thời gian. “Nhà tôi cứ mỗi mùa nồm là lại bong tróc, nước từ trong tường cứ chảy ra. Dù nhà đã phải thường xuyên sơn lại tường, nhưng cũng chẳng đỡ hơn là bao”, ông Quang cho biết.
Căn phòng ẩm mốc, vôi vữa bong tróc rộng chưa đến 7m2 được người dân trên tầng 2 của khu tập thể dùng làm nhà bếp kiêm luôn cả phòng tắm.
Khu vực cầu thang có những điểm đã lún, biến dạng so với kết cấu ban đầu của tòa nhà.
Đường ống dẫn nước, dây điện chằng chịt, không gian luôn ẩm thấp và thiếu sáng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960 - 1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư. Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là rất cấp thiết.
Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, cải thiện chất lượng về nhu cầu ở cho người dân và chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với phát triển kinh tế. Bắt đầu từ việc tháng 9/2021, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua dự thảo Đề án "Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội". Trong đó, một nội dung quan trọng là sẽ bố trí ngân sách tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư, chia làm 4 đợt từ nay đến hết quý IV/2023.