Hà Nội bổ sung một số nguyên tắc đặc biệt khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị của Hà Nội, cùng với việc thực hiện nguyên tắc của Trung ương thì thành phố có bổ sung một số nguyên tắc riêng đối với đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội.

Chiều 3-4, tại cuộc giao ban quý 1-2025 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, cùng với việc thực hiện theo nguyên tắc chỉ đạo của Trung ương thì Hà Nội có bổ sung một số nguyên tắc riêng đối với đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Hà Nội sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để đảm bảo lâu dài. Đồng thời, Hà Nội cũng tính đến xu thế quy hoạch định hướng phát triển với 2 đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây) với định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp. Về tổ chức bộ máy biên chế phải được bố trí phù hợp, không vượt quá tổng biên chế cũ và có lộ trình giảm dần đảm bảo trong thời hạn 5 năm.

 Hà Nội thực hiện sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính đảm bảo giữ được bản sắc địa phương

Hà Nội thực hiện sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính đảm bảo giữ được bản sắc địa phương

Cùng với đó, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Hà Nội phải đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, nhất là những vùng văn hóa tiêu biểu, như: vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài… Đồng thời, việc sắp xếp cũng phải đảm bảo được chức năng của từng địa phương, như: đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước; đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố cổ kinh thành Thăng Long xưa.

Về đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp, Hà Nội sẽ thực hiện theo hướng tên gọi của xã, phường mới dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, như: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...

 Ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, thông tin tại cuộc giao ban

Ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, thông tin tại cuộc giao ban

Cùng với đó, Hà Nội cũng đề xuất cách đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội hiện có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn, theo chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội sẽ giảm còn 263 đơn vị hành chính cấp xã.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ha-noi-bo-sung-mot-so-nguyen-tac-dac-biet-khi-sap-xep-to-chuc-lai-don-vi-hanh-chinh-post789060.html