Hà Nội bứt phá thu ngân sách cao nhất cả nước
Trong xếp hạng thu ngân sách 4 tháng đầu năm nay trên cả nước, Hà Nội xếp vị trí số 1 với mức hơn 310.000 tỷ đồng.

Bốn tháng, thu ngân sách Nhà nước đạt 48% dự toán.
Báo Tiền phong cho hay, theo Bộ Tài chính, thu ngân sách 4 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 944.000 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Dự toán thu ngân sách cả năm là hơn 1,9 triệu tỷ đồng, như vậy chỉ sau 4 tháng số thu đã đạt gần 50% kế hoạch. Trong đó, số thu nội địa tăng gần 30% (đạt hơn 827.000 tỷ đồng). Hoạt động xuất nhập khẩu ổn định, đóng góp đáng kể vào ngân sách.
Thống kê từ các địa phương, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, đạt hơn 310.000 tỷ đồng, đạt 61% dự toán, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 vừa qua, lần đầu TPHCM để mất vị trí quán quân thu ngân sách vào tay Hà Nội. Với xu hướng những năm gần đây, thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực ngoài quốc doanh và thuế thu nhập cá nhân. Tín hiệu đáng mừng cho thấy nguồn thu đang chuyển dịch dần từ phụ thuộc vào đất sang sản xuất, kinh doanh.
Bốn tháng đầu năm, TPHCM thu hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương gần 39% dự toán, cao thứ 2 cả nước. Tốc độ tăng nhẹ chỉ hơn 3% so với cùng kỳ 2024 khiến “đầu tàu” một thời hụt hơi so với Hà Nội. Đứng thứ 3 cả nước là Hải Phòng, thu ngân sách đạt gần 58.000 tỷ đồng.
Nhóm dẫn đầu về thu ngân sách còn có những cái tên quen thuộc như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Lợi thế địa lý, hạ tầng, có cảng biển, khu công nghiệp, nằm ở cửa ngõ xuất nhập khẩu... tạo nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều qua các năm cho những địa phương này.
Trong khi đó, các địa phương vùng cao, biên giới, hoạt động kinh tế chưa phát triển mạnh có số thu còn hạn chế. Chênh lệch lên đến hàng chục lần, nếu so sánh số thu của các thành phố nhóm đầu như Hà Nội, TPHCM, với địa phương thu thấp như Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng…
Năm 2024 là năm cuối cùng số thu ngân sách có thống kê từ 63 địa phương, Bắc Kạn là tỉnh duy nhất thu dưới 1.000 tỷ đồng. Điện Biên thu hơn 1.500 tỷ đồng, Cao Bằng, Lai Châu chỉ trên 2.000 tỷ đồng.
Vẫn theo Tiền phong, theo danh sách 34 tỉnh thành sau sáp nhập, một số tỉnh có thu lớn sẽ sáp nhập với tỉnh có thu nhỏ, bức tranh thu ngân sách các địa phương sẽ có thay đổi. Từ số thu ngân sách năm 2024, dự kiến sau sáp nhập 10 tỉnh, thành phố thu ngân sách vượt 50.000 tỷ đồng.
TPHCM dự kiến có thể trở lại vị trí số 1 cả nước, với việc sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương - đều là các tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về thu ngân sách. Năm 2024, tổng thu ngân sách của TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương đạt gần 682 nghìn tỷ đồng. Hà Nội xếp thứ 2 với hơn 511.000 tỷ đồng.
Hải Phòng (sáp nhập với Hải Dương) sẽ đứng thứ ba với 148.000 tỷ đồng. Đồng Nai (sáp nhập với Bình Phước) đứng thứ tư với 73.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS. Ngô Trí Long nhận định, thu ngân sách tăng trưởng là chỉ dấu quan trọng phản ánh hiệu quả của các biện pháp cải cách, đặc biệt trong bối cảnh bộ máy hành chính đã được sắp xếp, kiện toàn sau sáp nhập. Để đảm bảo thu ngân sách bền vững, ông Long nhấn mạnh, cần mở rộng cơ sở thuế, từ các lĩnh vực có tiềm năng như kinh tế số, dịch vụ, và các ngành công nghiệp mới; đẩy mạnh thanh kiểm tra, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.
Với vai trò hai "đầu tàu" kinh tế của cả nước, theo ông Long, TPHCM và Hà Nội cần nuôi dưỡng và mở rộng nguồn thu, thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thu, thu hút đầu tư và phát triển khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, đầu tư công cũng là động lực then chốt để kích thích tăng trưởng và tạo nguồn thu bền vững. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân khoảng 87.000 tỷ đồng trong năm 2025, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu và đường sắt đô thị. TPHCM cũng triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 để tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông.