Gỡ 'nút thắt' cho kinh tế tư nhân

HNN.VN - Từ phiên thảo luận tại tổ chiều 15/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có những phát biểu thẳng thắn về những 'nút thắt' đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân – được xem là động lực quan trọng trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Đoàn ĐBQH TP. Huế thảo luận ở tổ 7 cùng các đoàn: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kiên Giang.

Nghị quyết 68 – chủ trương đúng đắn

Ở phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các ĐBQH đều đồng tình, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương cực kỳ đúng đắn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều tác động từ bên ngoài.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) đề xuất miễn thuế ba năm đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) đề xuất miễn thuế ba năm đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) phân tích: Ba khu vực kinh tế chính hiện nay là Nhà nước, FDI và tư nhân – mỗi khu vực đều có vai trò riêng. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, khu vực nhà nước và FDI đều có những giới hạn, đặc biệt là tính phụ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường quốc tế.

“Khi thế giới có biến động, những gì không thuộc về mình sẽ không còn là điểm tựa. Phải phát triển kinh tế tư nhân mạnh lên, có năng lực cạnh tranh thực sự thì mới có thể nói đến tự lực, tự cường”, ông Nam nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) dẫn ví dụ từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản – nơi khu vực tư nhân đóng góp đến 68% GDP, tạo phần lớn công ăn việc làm, và là “cái nôi” sản sinh các tập đoàn khổng lồ như Apple, Amazon, Alibaba hay Samsung.

Theo ông Hoàng, những thương hiệu đó có được, không phải nhờ may mắn, mà nhờ một hệ sinh thái pháp lý, chính sách ổn định, dài hạn và hiệu quả. Việt Nam nếu muốn có “những Apple của riêng mình” thì cũng phải bắt đầu từ chính sách.

“Chúng ta không thể trồng một cái cây rồi để mặc nó sống sót trong bão giông của thủ tục, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu bảo vệ thương hiệu”, đại biểu Nguyễn Công Hoàng ví von tại phiên thảo luận. Ông không nói riêng một ai, cũng không chỉ nói về một doanh nghiệp cụ thể. Nhưng hình ảnh “cây non” ấy là ẩn dụ chính xác cho hàng triệu doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ – lực lượng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong ba trụ cột phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Một đề xuất nổi bật từ đại biểu Nguyễn Hải Nam là bãi bỏ thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với các dự án không sử dụng vốn nhà nước. Đây là thủ tục từng được kỳ vọng giúp quản lý chặt chẽ dòng vốn, nhưng giờ lại trở thành “vòng kim cô” siết chính sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Ông Nam phân tích: Những nội dung như địa điểm, mục tiêu, quy mô, vốn… đã được luật chuyên ngành điều chỉnh rõ ràng. Các bước thẩm định kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, quy hoạch… đều có cơ quan phụ trách. “Không lý gì lại cần thêm một lớp “xin phép” nữa để được đầu tư,” ông Nam nói; đồng thời nhấn mạnh: “Không chỉ là lý luận, thực tế cũng chứng minh điều đó. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện có hơn 2.000 dự án bị ách tắc vì thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhiều nhà đầu tư mất hàng năm trời mà vẫn chưa thể khởi công. “Mỗi ngày trễ là thêm chi phí, là cơ hội bị đánh mất. Doanh nghiệp không thể chờ đợi mãi,” ông Nam nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Hậu kiểm thay tiền kiểm

Trích dẫn tinh thần trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về Nghị quyết 68, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, chuyển toàn bộ quy trình hành chính sang hậu kiểm là bước đi cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt phù hợp với nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ông đồng tình với quan điểm: Quyền tự do kinh doanh là mặc định, và chỉ có thể bị hạn chế vì những lý do thật sự đặc biệt như quốc phòng, an ninh, đạo đức, sức khỏe cộng đồng – và những hạn chế đó phải được quy định rõ trong luật.

“Không quản được thì cấm, không cấp được thì bắt xin lại – những tư duy này cần được loại bỏ triệt để. Doanh nghiệp không sợ quản lý, họ chỉ sợ bị rối rắm trong thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật,” ông Nam nói.

Các ĐBQH cũng dành thời gian để nói về rào cản lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay, đó là tiếp cận nguồn lực.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không thể vay được vốn chỉ vì… không có tài sản thế chấp. Các sáng kiến, mô hình công nghệ, bản quyền phần mềm – vốn là “vàng” trong thời đại số – lại không được ngân hàng coi là tài sản đảm bảo.

“Chúng ta đang buộc người trẻ khởi nghiệp phải có sổ đỏ mới được vay vốn để… làm ứng dụng công nghệ. Như vậy là đi ngược với đổi mới sáng tạo,” ông Hoàng nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam bổ sung: Không chỉ vốn, mặt bằng sản xuất cũng là trở ngại. Nhiều địa phương có đất, nhưng lại không dành quỹ đất hợp lý cho doanh nghiệp tư nhân. “Cần có chính sách đất đai linh hoạt, minh bạch, và công bằng cho khối tư nhân, không chỉ ưu tiên cho nhà nước hay FDI”, ông Nam đề xuất.

Về thuế, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đề xuất miễn thuế ba năm đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Muốn kinh tế tư nhân lớn mạnh, phải bắt đầu từ những chính sách cụ thể, gỡ rào cản thật sự, hỗ trợ bằng cơ chế chứ không chỉ bằng khẩu hiệu,” đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/go-nut-that-cho-kinh-te-tu-nhan-153625.html