Hà Nội: Cấm ô tô đi vào đường 19/5 tại quận Hà Đông giờ cao điểm
Từ ngày 2/12 tới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cấm ô tô đi vào đường 19/5 (hướng từ Cầu Đen đi Văn Quán) thời gian 7h - 8h30 và 16h - 17h30 hàng ngày.
Nằm trong Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 - 2025, Sở GTVT Hà Nội thí điểm các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường tại khu vực cổng trường học. Lối đi có kết cấu bằng bê tông nhựa (asphalt), với chiều cao 9cm. Lối cho người đi bộ qua đường sẽ được kẻ bằng sơn dẻo nhiệt màu trắng, vàng, có phản quang để tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông.
Đồng thời, theo thiết kế của dự án, sẽ có đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường. Bên cạnh đó, để sắp xếp lại vị trí đỗ xe cho phụ huynh trước cổng trường học, lòng đường được thu hẹp bằng các cọc tiêu trụ dẻo.
Sở GTVT cũng sẽ thí điểm bố trí các cụm gờ giảm tốc trước khu vực trường học và hạn chế tốc độ các phương tiện đi qua không vượt quá 30km/h.
Đặc biệt, cấm xe ô tô đi vào đường 19/5 (hướng từ Cầu Đen đi Văn Quán) vào các khung giờ cao điểm từ 7h - 8h30 và từ 16h - 17h30.
Thời gian thi công các giải pháp hạ tầng đảm bảo an toàn giao thông trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du sẽ bắt đầu từ ngày 2/12/2023.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu đơn vị thi công bố trí đầy đủ biển báo, rào chắn, đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo từ xa, người hướng dẫn,... không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện đi qua khu vực trong quá trình thi công.
Sau khi thi công xong, tiếp tục bố trí nhân lực lượng để hướng dẫn, phân luồng giao thông theo phương án thí điểm; Kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tại khu vực trường học.
Trước đó, hồi cuối tháng 3 năm nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký, ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2023 Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (Dự án BIGRS) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thủ đô.
Theo kế hoạch này, các hoạt động dự kiến triển khai từ nay đến cuối năm 2023 bao gồm 4 mảng chính. Thứ nhất là mảng cưỡng chế với mục tiêu giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn giao thông tại Hà Nội thông qua việc tăng cường năng lực cưỡng chế cho cảnh sát giao thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông liên quan đến hành vi vượt quá tốc độ.
Thứ hai là mảng truyền thông với mục tiêu góp phần thay đổi hành vi người tham gia giao thông, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương như học sinh, sinh viên, người tham gia giao thông bằng xe mô tô… thông qua việc xây dựng và triển khai các chiến dịch truyền thông liên quan đến hành vi lái xe sau khi uống rượu bia và vượt quá tốc độ.
Thứ ba là mảng hạ tầng giao thông. Ở mảng này sẽ có các hoạt động tổ chức các chương trình đào tạo cho các kỹ sư thiết kế và tư vấn liên quan đến kinh nghiệm tiên tiến toàn cầu về an toàn đường bộ và hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu; Xác định các đoạn tuyến và nút giao có nguy cơ cao mất an toàn giao thông bằng cách sử dụng dữ liệu tai nạn giao thông, kiểm tra thực tế và kế hoạch cải tạo, sửa chữa của thành phố; Tổ chức tập huấn cho lực lượng cảnh sát giao thông, báo chí về các chiến lược thiết kế đường bộ an toàn và vai trò của cưỡng chế, truyền thông…
Thứ tư là mảng dữ liệu và giám sát với mục tiêu hỗ trợ Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông thành phố, Công an thành phố đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng, dữ liệu chất lượng cao, qua đó giúp bảo vệ tính mạng của người tham giao giao thông.