Hà Nội: Cần hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử

Theo đánh giá, nhiều địa phương trong đó đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những năm qua đã nổi lên như một địa phương có mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) mạnh mẽ với quy mô dân số khá lớn, nhiều tiềm năng phát triển.

 Từ tháng 8/2023, Hà Nội chính thức vận hành trạm xe đạp công cộng, người dân có thể tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền trước vào tài khoản để trả tiền thuê. Ngay cả khi đang sử dụng mà không còn đủ tiền trong tài khoản để trừ theo thời gian thực, người dân vẫn có thể sử dụng tiếp và trả bù vào lần sau. Ảnh: Khánh Huy

Từ tháng 8/2023, Hà Nội chính thức vận hành trạm xe đạp công cộng, người dân có thể tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền trước vào tài khoản để trả tiền thuê. Ngay cả khi đang sử dụng mà không còn đủ tiền trong tài khoản để trừ theo thời gian thực, người dân vẫn có thể sử dụng tiếp và trả bù vào lần sau. Ảnh: Khánh Huy

Phát triển bứt phá về TMĐT của Hà Nội

Nhiều năm liên tiếp, Hà Nội xếp ở vị trí số 2 cả nước về các chỉ số phát triển TMĐT (VECOM, 2022). Tuy vậy, để nâng cao chất lượng phát triển TMĐT ở TP Hà Nội còn nhiều vấn đề đặt ra, như: điều kiện phát triển TMĐT (hạ tầng viễn thông, nhân lực cho TMĐT, logistic...) còn chưa phát triển đột phá; vấn đề quản lý Nhà nước về TMĐT còn chưa tạo điều kiện phát triển TMĐT; vấn đề chiến lược phát triển TMĐT bền vững còn chưa được đặt vị trí đúng mức, mức độ sẵn sàng TMĐT của các doanh nghiệp và người dân còn chưa quyết liệt…

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI), trong giai đoạn 2018 - 2022, Hà Nội luôn đứng thứ hai về phát triển TMĐT, sau TP Hồ Chí Minh.

Điều này cho thấy tác động rất lớn của quy mô thị trường; đồng thời, chứng tỏ năng lực ứng dụng công nghệ dựa trên nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT của TP Hà Nội so với các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2022, chứng kiến sự phát triển bùng nổ của TMĐT trong bối cảnh hậu cuối đại dịch Covid-19 và sự thay đổi mạnh mẽ thói quen tiêu dùng của người dân.

Theo báo cáo EBI năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, Hà Nội xếp thứ hai cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh về EBI với 84,3 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm 2018) thì đến năm 2022, chỉ số EBI Hà Nội đạt 85,9 điểm tăng cao nhất trong thời gian 5 năm. Nhìn vào biểu đồ phát triển TMĐT của 3 TP top đầu cả nước, có thể thấy nét tương đồng trong xu thế phát triển TMĐT của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

TS. Vũ Thị Yến - Trường Đại học Thương mại nhận định, nguyên nhân của sự phát triển bứt phá về TMĐT của Hà Nội phải kể đến những lợi thế riêng có về quy mô thị trường, về trình độ công nghệ cũng như các điều kiện phát triển TMĐT khác, như: quy mô dân số lớn với 8,5 triệu dân (Tổng cục Thống kê, 2022) trong đó nguồn nhân lực có chất lượng cao về TMĐT và sự tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn. Nếu xét đến 3 chỉ số thành phần trong chỉ tiêu phát triển TMĐT bao gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT, chỉ số TMĐT B2C và TMĐT B2B.

Kết quả tổng hợp chỉ số giao dịch TMĐT B2C của TP Hà Nội 5 năm qua cho thấy, Hà Nội ở vị trí thứ 2 (sau TP Hồ Chí Minh) và năm 2021 là năm có số điểm thấp nhất. Nguyên nhân của sự suy giảm chỉ số B2C năm 2021 là do suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 làm giá trị TMĐT nói riêng và giá trị thương mại nói chung đều suy giảm ở tất cả các địa phương trong phạm vi cả nước.

Tương tự như chỉ số B2C, TP Hà Nội xếp vị trí thứ 2 cả nước về giá trị giao dịch TMĐT B2B trong 5 năm từ 2018 - 2022. Trong đó, năm 2021 kết quả đánh giá năm 2021 là thấp nhất, chỉ chưa bằng 1/2 so với năm 2020. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế do đại dịch, với sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sự suy giảm GDP cả nước khiến các giao dịch thương mại trong đó có giao dịch TMĐT cũng suy giảm bởi xu thế “thắt lưng buộc bụng” trong tiêu dùng.

Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử

Theo TS. Phạm Thị Minh Uyên - Trường Đại học Thương mại, để thúc đẩy mạnh tốc độ phát triển TMĐT bền vững ở TP Hà Nội cần hiện thực hóa đồng bộ các giải pháp cụ thể: Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử ở TP Hà Nội. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử ở TP Hà Nội hiện nay; đặc biệt, chú ý xây dựng các chính sách phát triển TMĐT phải có sự tương đồng với pháp luật quốc tế, các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước liên quan đến thương mại điện tử trên địa bàn TP. Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp đến kết quả phát triển TMĐT của Hà Nội. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT trong đó, thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, như: đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.

Ba là, tăng cường tuyên truyền và phổ cập kiến thức về Internet và thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp để họ cùng tham gia giám sát hoạt động giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn. Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ứng dụng TMĐT giúp gia tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia vào thị trường TMĐT thay vì thương mại bán lẻ truyền thống.

Bốn là, cơ quan quản lý tham gia xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ và nhân lực, tạo dựng các nền tảng kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ phát triển thương mại điện tử ở TP Hà Nội. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và hạ tầng logistics trong TMĐT, từ đó sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho doanh nghiệp. Hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, tăng cường phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS... để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp và người dân phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, quản lý thuế điện tử trong thương mại điện tử trong đó có khai thuế bắt buộc với giao dịch TMĐT; triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; Đa dạng hóa các hình thức thu, nộp thuế không dùng tiền mặt, hiện đại hóa công tác truyền nhận dữ liệu thu nộp ngân sách nhà nước.

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-ca-n-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phu-hop-voi-yeu-cau-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-355390.html