Hà Nội cần quy định phân cấp để đảm bảo thẩm quyền của chính quyền phường đặc biệt
'Chính quyền Thủ đô Hà Nội cần được tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp, phân quyền và theo mô hình tổ chức bộ máy hợp lý liên quan đến tổ chức bộ máy của chính quyền TP Hà Nội', PGS.TS. Phan Thị Lan Hương, Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):
Tại tham luận gửi Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Sở Tư pháp TP và Trường ĐH Luật Hà Nội đồng tổ chức, PGS.TS. Phan Thị Lan Hương cho biết, qua nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản, chính quyền Thủ đô Hà Nội cần được tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp, phân quyền và theo mô hình tổ chức bộ máy hợp lý liên quan đến tổ chức bộ máy của chính quyền Thủ đô. Để đảm bảo hoạt động phân cấp, phân quyền được thực hiện hiệu quả, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ về tổ chức bộ máy chính quyền mỗi cấp.
Cụ thể, theo PGS.TS. Phan Thị Lan Hương: Thứ nhất, cần quy định phân cấp để đảm bảo thẩm quyền của chính quyền phường đặc biệt. Khoản 2 Điều 9 hiện đang quy định: “Chính quyền địa phương ở các phường tại TP Hà Nội là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội, quận, thị xã; ủy quyền của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính cấp TP, quận, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội.”
Quy định này cần theo kinh nghiệm của Nhật Bản về tổ chức chính quyền phường đặc biệt, cần đảm bảo được phân cấp về ngân sách và các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy 23 phường của Tokyo có quy chế pháp lý giống với chính quyền TP và không giống với chính quyền cấp quận, huyện như các địa phương khác. Các phường là một cấp chính quyền do chính quyền TP trực tiếp kiểm soát. Các phường thực hiện các chức năng hành chính như một cấp TP trực thuộc chính quyền Thủ đô Tokyo.
Thứ hai, dự thảo Điều 9 cũng cần cân nhắc về tên gọi của chính quyền phường bởi lẽ về mặt lý luận, cấp chính quyền phải bao gồm cả hai thiết chế là HĐND và UBND. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Luật Tự trị địa phương năm 2017 quy định rõ phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương mỗi cấp tương ứng với mỗi loại chính quyền địa phương. Điều 4 quy định về tên gọi và phạm vi thẩm quyền của mỗi loại chính quyền địa phương. Các quy định chi tiết về Gus, Eups, Myeons, Dongs được quy định cụ thể tại Điều 4-2. Các đơn vị hành chính này thường không được coi là một đơn vị chính quyền tự trị, nghĩa là sẽ không có cơ quan đại diện (hội đồng) mà thường chỉ có cơ quan hành chính thực hiện hoạt đông quản lý ở địa phương.
Dự thảo cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp quận là cấp trực tiếp quản lý và giải quyết các vấn đề dân sinh của địa phương. Cần có phương án sáp nhập các phường để giảm bớt số lượng cơ quan hành chính, tinh giản bộ máy để tiết kiệm nguồn kinh phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng chính phủ số trong cung cấp dịch vụ hành chính công.
Hơn nữa, theo Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 111 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Do đó, nếu quy định chính quyền địa phương ở các phường theo dự thảo Điều 9 là chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 trong xác định cấp chính quyền và cấp hành chính.
Như vậy, đối với tổ chức bộ máy chính quyền TP Hà Nội, đối với các phường trong nội thành cần cân nhắc sắp xếp lại theo hướng giảm số lượng các phường (sáp nhập) và UBND là cơ quan hành chính theo mô hình văn phòng của quận. Nghĩa là chính quyền sẽ thành lập theo mô hình chính quyền 2 cấp, trong đó có cấp TP và cấp quận, TP, huyện thuộc TP Hà Nội và các UBND sẽ là các văn phòng (chi nhánh) để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được UBND quận phân công (không phải là một cấp chính quyền).
Cần nghiên cứu thành lập mô hình “thành phố trong thành phố” với những khu vực địa giới hành như Tây Hà Nội hay khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế Đông Anh, Gia Lâm... Việc lựa chọn xây dựng TP đô thị đặc biệt cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện những tiềm năng, thách thức và tính khả thi khi triển khai xây dựng môt hình “thành phố trong thành phố”.
Thứ ba, Điều 15 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội; Điều 16 quy định về thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, tại nội dung các Chương 3, 4 về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô, thẩm quyền đang được quy định cho HĐND và UBND cấp TP theo từng lĩnh vực cụ thể. Quy định về phân cấp thẩm quyền cần phải được quy định cụ thể trên cơ sở rà soát đảm bảo tính thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo hiện nay đang xác định phường là một cấp chính quyền (không có thành lập HĐND) cần được nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhật Bản chỉ thành lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và trong đó có cấp thành phố và cấp quận, phường (ngang cấp nhưng không ngang quyền). Ví dụ như, vấn đề xử lý rác thải, ấn định mức thuế và loại thuế sẽ không thuộc thẩm quyền của phường.
Thứ tư, quy định phân cấp về ngân sách cho chính quyền mỗi cấp để đảm bảo quyền tự chủ trong hoạt động quản lý ở địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, tại Dự thảo, Điều 37 có đề xuất phương án 2 là: “Không quy định nội dung này tại dự thảo Luật Thủ đô mà sẽ nghiên cứu quy định tại Luật Ngân sách nhà nước khi Luật này sửa đổi, bổ sung”. Việc quy định về nguồn thu của Thủ đô là cần thiết để đảm bảo nguồn lực về tài chính của Thủ đô, do đó nên cân nhắc quy định chi tiết về nguồn thu và phân cấp nguồn thu cho chính quyền các cấp bao gồm chính quyền quận và phường.
Hơn nữa, đảm bảo tuân thủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khoản 1 Điều 12 quy định: “Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”.
Thứ năm, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ về phân cấp, phân quyền cụ thể theo từng lĩnh vực, trong đó phải có quy định rõ về thẩm quyền cho từng cấp chính quyền. Dự thảo hiện nay đang quy định thẩm quyền theo lĩnh vực và trong mỗi điều sẽ có quy định về thẩm quyền của HĐND và UBND TP. Tuy nhiên, thẩm quyền cần được quy định cụ thể và phân cấp hợp lý cho từng cấp chính quyền để đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Ví dụ như trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính như hiện nay, việc quy định thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực đất đai đang còn có sự chưa áp dụng thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thủ đô về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND phường và Chủ tịch UBND quận.
Thuứ sáu, TP Hà Nội cần nghiên cứu kinh nghiệm về phân cấp, phân quyền của TP Đà Nẵng trong việc phân cấp, phân quyền trong từng lĩnh vực cụ thể, giảm số lượng đầu mối các sở, phòng chuyên môn theo hướng xây dựng trung tâm hành chính công có sự hoạt động quản lý liên ngành, đảm bảo tính liên thông trong quản lý đô thị. TP Hà Nội cần tiến hành đánh giá thực trạng phân cấp, phân quyền theo từng lĩnh vực, sự chồng chéo và bất cập trong thực tiễn thi hành và năng lực của mỗi cấp chính quyền để có thể triển khai việc phân cấp, phân quyền hiệu quả.
Chính quyền TP Hà Nội cần xác định rõ lĩnh vực trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chính quyền cấp dưới có quyền chủ động, sáng tạo trong quản lý, đặc biệt là các lĩnh vực cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bao gồm quản lý Nhà nước về ngân sách, đầu tư, cải cách TTHC, về đội ngũ cán bộ, công chức, về tăng nguồn thu cho chính quyền quận để có đủ năng lực, điều kiện và đảm bảo quyền chủ động, sáng tạo trọng quản lý ở cấp quận.
“Phân cấp, phân quyền là một nội dung cần được nghiên cứu và đánh giá toàn diện để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Việc phân cấp, phân quyền chỉ thực sự đạt hiệu quả khi chính quyền mỗi cấp có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao. TP Hà Nội cần phải xác định rõ mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đẩy mạnh việc giảm bớt số lượng cơ quan trung gian, tinh giản biên chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý để đảm bảo phát triển TP Hà Nội là TP đô thị đặc biệt như các quốc gia khác trên thế giới”, PGS.TS. Phan Thị Lan Hương, Trường ĐH Luật Hà Nội nhận định.