Hà Nội: Càng đầu tư xây dựng cầu, mở rộng đường, càng tắc nghẽn giao thông?
n tắc giao thông tại Hà Nội những năm gần đây có diễn biến phức tạp. UBND thành phố Hà Nội cùng các Sở ngành cũng có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Mặc dù, tốn nhiều công sức, tiền của song hiệu quả phát huy chưa được cao. Tất nhiên, có yếu tố khách quan là lưu lượng xe ngày một tăng, nhưng đây cũng chỉ là một nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay. Nhiều câu hỏi đặt ra, vậy thì những nguyên nhân nào là chính, biện pháp giải quyết ra sao?
Trong vấn đề này, cũng có nhiều ý tưởng của nhân dân, đặc biệt là của những tài xế lái taxi trong thành phố. Họ đề xuất nhiều ý kiến nghe có vẻ như hợp lý và phù hợp với thực tế, như: việc đặt các hệ thống đèn giao thông, phân luồng xe, đầu tư xây dựng công trình mới…Nhưng có lẽ những ý kiến này cũng không được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và nghiên cứu.
Câu chuyện tưởng như dân mạng nói đùa “càng đầu tư, càng mở rộng, giao thông càng tắc nghẽn” nhưng nếu ai hàng ngày đi làm, di chuyển trên những tuyến đường dài từ nhà đến cơ quan thì mới thấy câu nói đùa này cũng có lý. Đường vốn chật hẹp lại còn giành riêng một làn đường cho xe buýt nhanh BRT, chờ “mỏi mắt” mới thấy một chuyến xe buýt; phần đường còn lại thì nhỏ nhưng lượng xe thì đông. Vì vậy, không ùn tắc mới là chuyện lạ.
Quay lại câu chuyện đầu tư và xây dựng, những năm gần đây, sau mỗi trận mưa lớn Hà Nội lại ngập. Dư luận cho rằng, càng đầu tư hệ thống thoát nước thì càng ngập. Cũng như càng đầu tư xây mới, mở rộng hệ thống tuyến đường giao thông thì càng ùn tắc. Vậy nguyên nhân do đâu? Trong bài viết này, tác giả chỉ bàn một chút về vấn đề đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn Hà Nội.
Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, ngoài 07 cầu qua sông Hồng đã được đầu tư xây dựng (cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh), sẽ có thêm 10 cầu sẽ được triển khai theo quy hoạch.
Theo Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Hà Nội, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, cầu Thượng Cát và hai đầu cầu, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở.
Trong số này, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 đã được khởi công từ ngày 9/1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đang được thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Hiện tại, cầu đã cơ bản hoàn thành phần kết cấu khoảng 2km, phần còn lại gần 1km nằm phía trên mặt nước sông Hồng (phần xây dựng phức tạp hơn) chưa được triển khai. Không rõ, công trình này có hoàn thành theo kế hoạch hay không?
Cầu Vĩnh Tuy nối từ quận Long Biên sang quận Hai Bà Trưng. Đây là một trong những cây cầu ít xảy ra tắc nghẽn nhất, nhưng một vài năm gần đây tình trạng ùn cũng xảy ra thường xuyên. Giải thích về vấn đề này, ai cũng thấy hiển nhiên rằng, với 2 chiều xe chạy thì việc ùn tắc từ phía trung tâm thành phố đi về hướng Long Biên dù sao cũng ít xảy ra, vì ở đó nút giao thông đầu cầu tương đối rộng rãi. Nhưng hướng đi về phía đường Minh Khai và Trần Khát Chân thực sự là “nút thắt” cổ chai, đặc biệt đoạn từ chân cầu tới ngã ba Trần Khát Chân – Nguyễn Khoái. Với hơn 1km đường đê Nguyễn Khoái luôn xảy ra tình trạng ùn tắc.
Từ đầu năm 2021, dự án cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 được triển khai. Đây là dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2; tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy hoàn thành thì “càng đầu tư, càng tắc” bởi lẽ với 2 nhịp cầu, nối 2 bờ sông, tạo điều kiện cho vận tốc xe đi nhanh hơn, việc đi lại sẽ thông thoáng hơn nhưng “nút thắt” cổ chai ở hai đầu cầu không được giải quyết thì tình trạng ùn tắc sẽ xảy ra nhiều hơn. Nhiều người đặt câu hỏi, không rõ những nhà nghiên cứu để đầu tư xây dựng công trình này trong giai đoạn hiện nay có nghiên cứu những vấn đề này chưa? Và đã có phương pháp nào để giải quyết “nút thắt” cổ chai hai bên đầu cầu chưa? Nếu không sau khi dự án hoàn thành tình trạng ùn tắc sẽ phổ biến hơn.
Người ta lại đặt câu hỏi, trong một loạt cầu bắc qua sông Hồng theo quy hoạch, tại sao các cơ quan có thẩm quyền về đầu tư như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Hà Nội không nghiên cứu, xây dựng một cây cầu khác chẳng hạn như cầu Trần Hưng Đạo hoặc một cây cầu nào đó theo quy hoạch bắc qua sông Hồng thì chắc chắn vốn đầu tư cũng chỉ tương đương cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Nhưng việc giải quyết tắc nghẽn giao thông trong tình trạng hiện nay sẽ tốt hơn rất nhiều.
Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, mọi quyết định đầu tư một tuyến đường, cây cầu đều phải nghiên cứu một cách chặt chẽ, có giải pháp thật khả thi thì đồng vốn đầu tư mới hiệu quả. Còn với kiểu đầu tư như hiện nay, giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy liệu có hiệu quả bằng các phương án khác như chúng tôi đã nêu?