Hà Nội: Cầu Vân Phúc bắc qua sông Hồng sắp xây dựng có gì nổi bật?
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng với tổng mức đầu tư dự kiến 3.443 tỷ đồng đang được công khai tham vấn đánh giá tác động môi trường.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.
Dự án cầu Vân Phúc được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 29/2022, tổng mức đầu tư dự kiến 3.443 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; thời gian thực hiện từ 2022-2027. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội
Báo cáo ĐTM khẳng định, việc thực hiện dự án cầu Vân Phúc đảm bảo việc đấu nối và phù hợp với các dự án đã được phê duyệt và đi vào vận hành.
Trong giai đoạn thi công, dự án chiếm dụng đất ở, đất nông nghiệp, đất giao thông, sông suối gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của các hộ gia đình. Ảnh hưởng tới đến hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, hoạt động giao thông đường bộ, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân lân cận.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án còn có nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ, tai nạn lao động, tai nạn giao thông…
Để xử lý vấn đề môi trường, chủ đầu tư sẽ sử dụng các phương tiện, máy móc được đăng kiểm; che phủ bạt đối với tất cả các phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, đất thải, phế thải. Phun nước giảm bụi, thường xuyên thu dọn đất, cát, vật liệu rơi vãi tại khu vực thi công và đường tiếp cận.
Tất cả các xe được rửa sạch bùn đất trước khi ra khỏi công trường. Lắp dựng hàng rào tôn xung quanh công trường thi công, vị trí thi công các nút giao, các công trình cầu, các khu dân cư,... đảm bảo môi trường không khí xung quanh.
Trong giai đoạn thi công sẽ thu gom và lưu chứa tất cả các loại chất thải nguy hại phát sinh trong các thiết bị chuyên dụng, bảo đảm lưu chứa an toàn, không tràn đổ.
Giai đoạn vận hành dự án sẽ thu gom toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh vào thùng chứa chuyên dụng, có nắp đậy và chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo ĐTM, chủ đầu tư sẽ định kỳ thực hiện giám sát xói lở trong suốt quá trình thi công các công trình cầu vượt sông.
Trường hợp xảy ra sạt lở hoặc tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới các công trình liên quan khác phải dừng mọi hoạt động để phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khắc phục tình hình và đền bù thiệt hại theo quy định.
ĐTM thông tin, tổng chiều dài công trình 7,76km; điểm đầu tại vị trí giao cắt với quốc lộ 32 thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ và điểm cuối (Km7+760) tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Phần đường nối từ quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc có quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ .
"Việc thực hiện dự án từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, kết nối, khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Dự án tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận", báo cáo ĐTM nhấn mạnh.