Hà Nội: Chất lượng không khí tại một số khu vực ở mức rất xấu

Lúc 8 giờ sáng nay (17-12), kết quả quan trắc của 2 trong 3 trạm đo thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy, chất lượng không khí tại một số khu vực của Hà Nội ở mức rất xấu và xấu.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đánh giá, khi chỉ số AQI ở mức 201-300, tương ứng với thang màu tím, thể hiện chất lượng không khí ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Theo đó, tại Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 220; cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 217; Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 164.

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300), đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Khi tham gia giao thông, người dân nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

 Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: ĐÌNH HIẾU

Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: ĐÌNH HIẾU

Đối với những người nhạy cảm (phụ nữ mang thai; người già; người mắc bệnh tim mạch, hô hấp; trẻ nhỏ), cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Các chuyên gia y tế ví bụi mịn là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe của con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngoài ra tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Từ thực tế trên, ngày 2-3-2024, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quyết định về việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm; thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng; huy động các nguồn lực thực hiện các giải pháp ngắn và dài hạn. Thành phố sẽ tập trung vào giảm phát thải từ giao thông, nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí.

THẾ TRUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ha-noi-chat-luong-khong-khi-tai-mot-so-khu-vuc-o-muc-rat-xau-807376