Hà Nội: Cho thuê vỉa hè thế nào hiệu quả?

Theo chuyên gia, việc cho thuê vỉa hè cần phải tính đến cả yếu tố văn hóa truyền thống của từng tuyến phố. Cho thuê vỉa hè phải đảm bảo mỹ quan, không vì số lượng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, nguyên tắc xây dựng đề án là lòng đường sử dụng cho mục đích giao thông. Hè phố phục vụ người đi bộ và là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Về phạm vi, đối tượng của đề án gồm các tuyến hè phố có đủ điều kiện sử dụng một phần để trông giữ phương tiện giao thông, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm. Các tuyến đường có đủ điều kiện để sử dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông.

Một tuyến phố được Hà Nội dự kiến cho thuê vỉa hè

Một tuyến phố được Hà Nội dự kiến cho thuê vỉa hè

Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, hàng loạt tuyến vỉa hè mà Sở Xây dựng đề xuất cho thuê trên các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy... đang bị người dân lấn chiếm để buôn bán, để xe khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Trên phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), các phương tiện bị xếp ngang dọc, chiếm dụng gần hết phần vỉa hè để kinh doanh quán ăn. Nhiều khu vực vừa trở thành bãi để ô tô, xe máy, vừa là địa điểm kinh doanh. Để đi qua khu vực, người dân phải “luồn lách” đi bộ qua các phương tiện dừng đỗ hoặc chọn đi xuống lòng đường.

Theo bà Lan, chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Chùa Bộc, với mặt bằng như tại tuyến phố, việc áp dụng cho thuê từ 20.000-40.000 đồng/1m2 như đề xuất không phải rẻ nhưng chấp nhận được.

“Nếu được áp dụng cho thuê thì tốt quá vì vỉa hè là vấn đề đau đáu của người dân kinh doanh như chúng tôi bao lâu nay. Nếu được triển khai, các đơn vị về đây kinh doanh cũng được tạo điều kiện về mặt bằng để buôn bán lâu dài”, bà Lan nói.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến: Việc cho thuê vỉa hè phải bám sát yếu tố truyền thống và lấy tiêu chí “phục vụ người dân” làm trọng tâm.

Ngoài việc tính toán về diện tích còn phải tính đến yếu tố truyền thống của từng tuyến phố, từng kiến trúc công trình nhà ở liền kề. “Việc cho thuê nên tính toán kỹ, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng thay vì số lượng”, ông Nghiêm chia sẻ.

Ngày 18/12, Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phải lấy ý kiến người có nhà mặt đường

Từ kinh nghiệm của một số nước đã nghiên cứu và của một số đô thị trong nước, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí để cho thuê vỉa hè.

Trong đó tiêu chí đầu tiên là hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ và bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.

Đối với khu phố cổ, cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

Hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách.

Các hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh theo quy định) cần được chính quyền địa phương phổ biến, tập huấn và ký cam kết về việc kinh doanh đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện. Riêng các hộ kinh doanh ăn uống cần có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động kinh doanh phải có phương án phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường không để ảnh hưởng tới hạ tầng kỹ thuật, như độ chịu lực của kết cấu hè phố, đảm bảo an toàn tủ điện, cây xanh.

UBND cấp huyện cần lấy ý kiến các hộ dân thuộc biển số nhà khu vực cấp phép kinh doanh để bảo đảm đồng thuận và ưu tiên cho người đã kinh doanh ở vị trí đó.

Thời hạn cấp phép là 6 tháng hoặc 1 năm. Mặt hàng kinh doanh do UBND cấp huyện xác định cụ thể đảm bảo phát triển đô thị, phát triển du lịch, kinh doanh thương mại văn minh, phù hợp với văn hóa địa phương.

Đối với hộ kinh doanh di động phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành...

Trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè: Bổ sung 191 tuyến phố

Hà Nội hiện có 234 tuyến phố được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường; trong đó, quận Hoàn Kiếm có số lượng cao nhất với 42 tuyến phố, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng với 32 tuyến.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường.

Như vậy, Hà Nội hiện có 234 tuyến phố được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường; trong đó, quận Hoàn Kiếm có số lượng cao nhất với 42 tuyến phố, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng với 32 tuyến, quận Cầu Giấy 26 tuyến, quận Long Biên 20 tuyến.

Tuy nhiên, quyết định của thành phố Hà Nội cũng quy định: Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị, không gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động của hai bên đường phố.

Đường tổ chức giao thông hai chiều, nếu rộng 10,5m thì cho phép trông giữ xe một bên; đường rộng từ 14m cho phép giữ xe hai bên.

Đường tổ chức giao thông một chiều nếu rộng tối thiểu 7,5m thì được trông xe bên phải phần xe chạy. Điểm trông giữ xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m, xe đỗ thành hàng thuận theo chiều xe chạy; không cắm cọc, chăng dây rào chắn lòng đường, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ tại các vị trí sang đường.

Ngoài ra, thành phố cũng quy định không trông giữ xe trước mặt tiền của các công sở và một số tuyến phố đặc thù. Vị trí hè phố tổ chức trông giữ xe phải có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng phương tiện. Hạn chế khung giờ cao điểm 6-9 giờ và 16-19 giờ 30 phút.

TRẦN HOÀNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-cho-thue-via-he-the-nao-hieu-qua-post1702066.tpo