Hà Nội 'chốt' phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo với đài vọng cảnh, vỉa hè
Hà Nội vừa 'chốt' phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng có thêm 2 làn xe đạp, vỉa hè dành cho người đi bộ và đài vọng cảnh cho người dân ngắm cảnh...
Phối cảnh phương án đoạt giải nhất mang ý nghĩa "Hà Nội không giới hạn", nhìn từ phố cổ.
Thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thành phố "chốt" phương án cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau. Theo phương án thiết kế, phần cầu chính có độ dài 900m, chia làm 6 nhịp; mỗi nhịp dài 150m.
Đáng chú ý, xuất phát từ mong muốn cây cầu Trần Hưng Đạo sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu giao thông đơn thuần mà còn hướng đến mục đích "vị nhân sinh" nên đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng được đề xuất có thêm 2 làn xe đạp và vỉa hè dành cho người đi bộ ngoài 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh, có ghế ngồi để người dân có thể dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tạo điểm nhấn kết cấu.
Để phục vụ tiềm năng phát triển du lịch, ở hai bên đầu cầu được bố trí lối dẫn phù hợp với việc quy hoạch công viên cây xanh trong tương lai, tạo thành một địa điểm có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, hoạt động cộng đồng.
Cây cầu được lấy cảm hứng từ ấn tượng về không gian mênh mông trải rộng trên dòng sông Hồng, một dòng sông có cả chiều dài về lịch sử, chiều rộng về không gian.
Cầu Trần Hưng Đạo có 2 làn xe đạp, vỉa hè và đài vọng cảnh cho người dân ngắm cảnh.
Đây là phương án đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.
Cho tới nay, sự phát triển của Hà Nội tập trung ở phía bên bờ Tây sông Hồng. Với sự phát triển có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang bên bờ Đông, đặc biệt là các quận Long Biên, Gia Lâm cùng với quá trình nghiên cứu quy hoạch về khu đô thị sông Hồng đang được đẩy nhanh thì khu vực cầu Trần Hưng Đạo được dự đoán sẽ là trung tâm của Hà Nội trong tương lai.
Cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công trong năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 8.670 tỷ đồng, giảm gần 3% chi phí so với tổng mức đầu tư ban đầu (8.958 tỷ đồng). Công trình được thi công trong 3 năm và hoàn thành vào quý 2/2025.
Theo quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, có 14 cây cầu bắc qua sông Hồng, hiện thành phố làm được 7 cầu.
Vị trí cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy, với tổng chiều dài (gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Điểm đầu cầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận, quận Long Biên.
Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, Triển lãm phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được tổ chức tại Nhà Triển lãm - số 93 Đinh Tiên Hoàng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội trong 1 tháng để tham vấn ý kiến cộng đồng.
Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội sẽ báo cáo thành phố xem xét, quyết định phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.