Hà Nội chốt tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm

TP Hà Nội sẽ ưu tiên nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông quan trọng như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tuyến metro số 2, tuyến metro số 5 cùng với 6 cây cầu.

Chiều 9/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiếp tục phiên chất vấn và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Trong đó, nội dung được quan tâm hàng đầu là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển không gian xây dựng theo quy hoạch.

Toàn cảnh kỳ họp chiều 9/4.

Toàn cảnh kỳ họp chiều 9/4.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, tiến độ giải ngân dự án Vành đai 4, cầu Tứ Liên còn chậm; dự án Vành đai 1 đạt 51,4%. Ngập úng còn xảy ra tại 10 điểm nội đô trong mùa mưa 2025. Vi phạm trật tự đô thị giảm 20% nhưng còn nhiều vụ chưa xử lý (lấn chiếm lòng đường chiếm 60%).

Nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm do tranh chấp đất đai (60% trường hợp), giá vật liệu (xi măng, thép) tăng 15%; Quy hoạch không gian ngầm chưa đồng bộ (chỉ 30% không gian ngầm được quy hoạch); Mưa lớn vượt dự báo; Chính quyền cơ sở còn chưa quyết tâm xử lý việc lấn chiếm lòng đường….

Về dự án cầu Tứ Liên (từ nút giao Nghi Tàm - Đường Trường Sa 5,15km), thành phố đã tổ chức khởi công ngày 19/5, đang tổ chức thi công, giải phóng mặt bằng, hiện đã tổ chức thi công cọc khoan nhồi của cầu dây văng. Các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được UBND thành phố phê duyệt.

Dự án được cập nhật kế hoạch đầu tư công năm 2025 là 800 tỷ đồng, hiện nay có tiến độ tốt. HĐND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường kết nối cầu Tứ Liên, từ nút giao đường dẫn đầu cầu với đường Trường Sa và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (hơn 5.000 nghìn tỷ đồng), Sở Xây dựng đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Về giải pháp 6 tháng cuối năm, ông Dũng cho hay, sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm; khởi công cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9 và cầu Thượng Cát dịp 10/10; tăng cường giải ngân dự án Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV.

Cùng với đó, triển khai Kế hoạch chống ngập úng 2025, lắp đặt 50 trạm bơm tự động tại khu vực nội đô.

Về việc bổ sung các tuyến đường sắt đô thị vào danh mục quy hoạch không gian ngầm, tới đây thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị.

Trên cơ sở quy hoạch vùng Thủ đô, Hà Nội sẽ tập trung phê duyệt các đồ án phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 gồm: Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, Khu công nghiệp Phụng Hiệp, Khu công nghiệp Bắc Thường Tín và khu vực hai bên đường Vành đai 4.

Thành phố cũng thúc đẩy Đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phù hợp với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ hàng đầu cả nước.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn về tiến độ dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại kỳ họp thứ 20, thành phố rất quyết tâm khi hai chủ tịch quận lúc đó đã cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên về tình hình hiện tại, ông Thường cho biết đây là dự án kéo dài và phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng.

"Tổng thể có 1.981 hộ dân phải giải phóng mặt bằng. Thành phố đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho 1.297 hộ, chiếm 2/3; thu hồi mặt bằng được 633 hộ, chiếm hơn 1/3, chậm hơn so với những gì đã hứa", ông Thường nói.

Cũng theo ông Thường, ba phường đã hứa và quyết tâm trong quý IV sẽ phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng liên quan tới dự án trên.

Mai Thu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-noi-chot-tien-do-nhieu-du-an-giao-thong-trong-diem-192250709171007421.htm