Hà Nội chủ động phương án dự trữ hàng hóa cứu trợ trong mùa mưa bão 2025

Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.

Hệ thống siêu thị WinMart (Hà Nội) mở cửa từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày phục vụ người dân mua sắm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hệ thống siêu thị WinMart (Hà Nội) mở cửa từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày phục vụ người dân mua sắm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất thường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.
Phương án được xây dựng trên tinh thần chủ động, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Mục tiêu là đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng, giúp sớm ổn định cuộc sống, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu trong 7 ngày. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ khẩn cấp.
Cùng với đó, dự kiến, các loại hàng hóa được chuẩn bị bao gồm: lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí tạm tính là 122,7 tỷ đồng.
Cụ thể, định mức dự trữ gồm: 3 gói đồ khô/người/ngày, 2 lít nước/người/ngày, 1 hộp thực phẩm chế biến/người/ngày, 1 hộp sữa/người/ngày, 0,3 kg gạo/người/ngày và 1 cốc nến/7 ngày. Nguồn vốn thực hiện chủ yếu huy động từ các doanh nghiệp tham gia, tự chủ về tài chính và chuẩn bị nguồn hàng theo kế hoạch của thành phố.
Ngoài các mặt hàng phục vụ cứu trợ khẩn cấp, phương án cũng hướng tới việc dự trữ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: áo mưa, ủng cao su, đèn pin, pin, bạt che mưa, chất đốt, vật liệu xây dựng, thuốc y tế… nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân vùng bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai.
Gắn kết với chương trình song song với việc chuẩn bị hàng hóa cứu trợ, Hà Nội cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2025 với 13 nhóm hàng thiết yếu như: lương thực, thịt, thủy hải sản, rau củ quả, dầu ăn, trứng, sữa trẻ em, đường, nước giải khát… giúp ổn định cung cầu, hạn chế tăng giá đột biến và hỗ trợ người dân trong điều kiện khó khăn.
Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, xây dựng và triển khai phương án; đồng thời phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các xã, phường và doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia có trách nhiệm chuẩn bị đủ nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, chủ động phương tiện, nhân lực, thông tin liên lạc và sẵn sàng cung ứng theo chỉ đạo của Thành phố khi có tình huống xảy ra.
Đặc biệt, các doanh nghiệp được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ hệ thống ngân hàng để dự trữ hàng hóa, được cấp phép vận chuyển hàng hóa vào nội đô trong giờ cao điểm khi thực hiện nhiệm vụ cứu trợ. Đây là những hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp yên tâm tham gia chương trình, đồng hành cùng Thành phố trong công tác ứng phó thiên tai.
Ủy ban nhân dân các xã, phường có nhiệm vụ xây dựng phương án phòng chống thiên tai tại chỗ, phối hợp doanh nghiệp nắm chắc nguồn hàng dự trữ, chỉ đạo triển khai kịp thời khi có tình huống phát sinh. Các đơn vị liên quan như Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố… cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc phân bổ kinh phí, huy động lực lượng, đảm bảo phương tiện vận chuyển và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Phương án cũng đề ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự trữ bằng việc tạo cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu và được ưu tiên trong các chương trình phân phối hàng hóa của thành phố. Đồng thời, doanh nghiệp phải tuân thủ cam kết về chất lượng, số lượng hàng hóa, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và chủ động phối hợp lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ cứu trợ.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần chủ động cao, phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân của Hà Nội năm 2025 là bước đi cần thiết và kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền thành phố tới đời sống người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp.

Quốc Lũy/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-chu-dong-phuong-an-du-tru-hang-hoa-cuu-tro-trong-mua-mua-bao-2025/381213.html