Chủ động ứng phó trên các tuyến giao thông trọng điểm

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão WIPHA), ngày 21/7/2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Công điện khẩn số 37/CĐ-BXD yêu cầu các đơn vị trực thuộc và sở xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 (bão WIPHA) sẽ vào đất liền ngày 22/7. Ảnh: ST

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 (bão WIPHA) sẽ vào đất liền ngày 22/7. Ảnh: ST

Công điện nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đặt sự an toàn của người dân và công trình lên hàng đầu, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để kịp thời triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ với tinh thần “khẩn trương nhất, quyết liệt nhất”.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn, phối hợp với lãnh đạo các đơn vị liên quan trực tiếp đến Hưng Yên để chỉ đạo công tác ứng phó tại địa phương này - một trong những địa bàn được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.

Chủ động ứng phó trên các tuyến giao thông trọng điểm

Cục Đường bộ Việt Nam được giao chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tổ chức trực 24/24h, phân luồng giao thông, cắm phao tiêu, rào chắn, biển báo tại các khu vực nguy hiểm như ngầm tràn, đường bị ngập, sạt lở. Những điểm nguy hiểm phải được cấm đường tuyệt đối, kiên quyết không để người và phương tiện đi qua.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị phương tiện, máy móc, vật tư, nhân lực tại các điểm thường xuyên xảy ra sụt trượt được yêu cầu triển khai khẩn trương, nhằm bảo đảm khắc phục sự cố và lưu thông trở lại trong thời gian sớm nhất, nhất là trên các tuyến quốc lộ huyết mạch.

Về đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao tổ chức tuần tra, chốt gác nghiêm ngặt tại các công trình, khu vực cầu yếu, đoạn đường dễ ngập, đèo dốc, vùng có nguy cơ lũ quét, đá lở. Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố, cũng như bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Khi cần thiết, phải có kế hoạch dừng, giãn tàu, tăng bo hoặc chuyển tải hành khách để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam được giao nhiệm vụ nắm chắc số lượng phương tiện đang hoạt động, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển về vùng neo đậu an toàn; phối hợp với các địa phương xử lý tình huống khẩn cấp; chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải sẵn sàng phương tiện, lực lượng. Đồng thời, hệ thống phao tiêu, báo hiệu phải được thu hồi trước lũ và tái thiết lập ngay sau khi mưa lũ đi qua nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các hãng hàng không, đơn vị bay dịch vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh lịch bay phù hợp. Đồng thời, các sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc và điều hành bay phải được kiểm tra, gia cố nhằm phát hiện sớm và khắc phục kịp thời các sự cố có thể xảy ra.

Giữ vững an toàn công trình xây dựng và khu đô thị

Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng được yêu cầu chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn khẩn trương triển khai phương án ứng phó, bảo vệ công trình đang xây dựng, nhất là các tuyến đang thi công nhưng vẫn khai thác giao thông. Các đơn vị phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật tư, thiết bị để kịp thời khắc phục sự cố và đảm bảo tiến độ công trình sau bão.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam có nhiệm vụ tăng cường thời lượng phát sóng trên hệ thống đài thông tin duyên hải, thường xuyên cập nhật, cảnh báo hướng di chuyển của bão và kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Rà soát nguy cơ, đảm bảo tiêu thoát nước và an toàn đô thị

Đối với các sở xây dựng tại 24 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, Bộ Xây dựng yêu cầu chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngập úng để có phương án ứng phó. Các khu vực đô thị cần bố trí phương tiện, nhân lực ứng trực, sẵn sàng tiêu thoát nước nhằm hạn chế ngập úng.

Đặc biệt, cần kiểm tra, cắt tỉa cây xanh đô thị có nguy cơ gãy đổ, gây cản trở giao thông và mất an toàn cho công trình, người dân. Công tác thu dọn sau bão cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo giao thông được khơi thông nhanh chóng, hạn chế gián đoạn sinh hoạt và sản xuất.

Trực 24/24h, báo cáo kịp thời tình huống phát sinh

Công điện nêu rõ, tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan phải tổ chức trực ban 24/24h, có phương án phân công nhiệm vụ cụ thể, ghi rõ đầu mối liên lạc, số điện thoại để sẵn sàng phối hợp. Những tình huống đột xuất, phát sinh cần được báo cáo ngay về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng qua số điện thoại: 0989.642.456, email: banpclb@moc.gov.vn.

Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị triển khai nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các nội dung Công điện, đặt mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến nhanh và phức tạp của bão số 3./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chu-dong-ung-pho-tren-cac-tuyen-giao-thong-trong-diem-41789.html