Hà Nội: Chưa kiểm soát được việc kê đơn ở nhà thuốc tư nhân

Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc, tới đây Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 và ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc.

Thuốc - Ảnh minh họa

Thuốc - Ảnh minh họa

Thực tế, tình trạng mua, bán thuốc không kê đơn vẫn còn phổ biến dẫn đến tình trạnh người dân tự ý mua, sử dụng thuốc bừa bãi, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Y tế đã ban hành Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc nhằm kiểm soát việc bán thuốc không kê đơn, giảm tỷ lệ kháng thuốc trong cộng đồng.

Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, ngoài 110 nhà thuốc của các bệnh viện công lập và các bệnh viện của Trung ương, bộ, ngành, thành phố vẫn còn hàng nghìn nhà thuốc tư nhân, xuất hiện ở hầu hết các khu dân cư, tuyến phố.

Người dân mua thuốc

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tất cả các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân trên địa bàn đã kê đơn trên hệ thống máy tính kết nối với nhà thuốc bệnh viện, nhưng việc kê đơn tại các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân vẫn chưa kiểm soát được. Công tác giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý còn yếu do số lượng nhà thuốc quá lớn, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng.

Đến giữa 2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông tại Hà Nội là 5.948/6.911 cơ sở (đạt 86,1%). Trong đó, số cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối là 5.613/5.782 (đạt 97,1%).

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 6.500 nhà thuốc,. Tuy nhiên, việc kết nối mạng đối với các nhà thuốc tự xây dựng phần mềm, danh mục thuốc dùng chung chưa đầy đủ so với thuốc đang lưu thông, chưa phân loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt,…

Đáng chú ý, theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc thì bị xử phạt từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Chế tài xử lý này được đánh giá là vẫn chưa đủ sức răn đe.

Tại Đà Nẵng đã có 66% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có máy tính, kết nối internet và sử dụng phần mềm quản lý, tuyên truyền cho cộng đồng sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, kháng kháng sinh.

Theo đại diện Bộ Y tế, tất cả những khó khăn, vướng mắc từ phía Sở Y tế, bệnh viện, doanh nghiệp dược, công ty cung ứng phần mềm đều đã được đoàn giám sát của Bộ Y tế lắng nghe một cách đầy đủ và sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trên cả nước thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các cơ sở bán lẻ thuốc.

Cùng với đó, để hạn chế và chấm dứt việc bán thuốc kháng sinh không kê đơn, thời gian tới ngành Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông đối với cơ sở khám chữa bệnh, các nhà thuốc, người dân, để không còn tình trạng kháng kháng thuốc vì sử dụng thuốc bừa bãi.

PV

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ha-noi-chua-kiem-soat-duoc-viec-ke-don-o-nha-thuoc-tu-nhan-374433.html