Hà Nội chuyển huyện thành quận: Hạ tầng kỹ thuật phải đi kèm sự phát triển

Nhiều chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ, các địa phương trong lộ trình chuyển huyện thành quận cần có sự chuẩn bị về hạ tầng đô thị để giải quyết vấn đề môi trường trong tương lai...

Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, dự kiến 5 huyện của Hà Nội sắp lên quận gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng. Hiện nay, các huyện đang phấn đấu đạt các chỉ tiêu để lên quận theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ, các địa phương cần có sự chuẩn bị về hạ tầng đô thị để giải quyết vấn đề môi trường trong tương lai.

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Đô thị - Bộ Xây dựng, đã trao đổi với Người Đô Thị về nội dung này.

Thưa ông, khi các huyện chuyển đổi thành quận thì có thể phải đối mặt với những vấn đề môi trường đô thị nào?

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến. Nguồn: Ánh sáng

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến. Nguồn: Ánh sáng

PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến: Theo quy định hiện hành, điều kiện để huyện trở thành quận là phải đạt một số tiêu chí cơ bản như mật độ dân số, tỷ lệ phi nông nghiệp, tỷ trọng công nghiệp xây dựng dịch vụ; công trình hạ tầng đô thị và phải có quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi từ huyện lên quận, các địa phương được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi như nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn đến quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu sử dụng đất dành cho nông nghiệp có sự chuyển dịch sang các loại đất khác.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ huyện lên quận cũng có thể phát sinh một số vấn đề môi trường đáng quan tâm như vấn đề nước thải đô thị, rác thải, nghĩa trang…

Hiện nay, tại các khu vực nông thôn, nước thải, nước mưa đa phần để chảy tự do ra ao, hồ hoặc chảy trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Một số nơi có hệ thống thu gom nhưng là hệ thống kênh mương hở, dễ dàng khuếch tán mùi, gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, hiện nay một số địa phương có nhiều làng nghề hoạt động nhưng lại chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải nên nước thải xả trực tiếp ra sông, hồ gây ô nhiễm. Đơn cử như một số kênh, mương ở một số làng nghề tại huyện Hoài Đức.

Còn một số quận, huyện ngoại thành cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn còn sơ sài, thiếu đồng bộ, chưa có các cơ sở, nhà máy hoặc trạm xử lý nước thải.

Vấn đề rác thải sinh hoạt cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm ở khu vực nông thôn. Hiện vẫn phổ biến tình trạng rác vứt bừa bãi, chưa có quy hoạch; thiếu các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.

Những vấn đề về nước thải, rác thải sinh hiện nay sẽ trở thành vấn đề môi trường đáng quan tâm khi các huyện chuyển đổi thành quận nếu các địa phương không có những biện pháp, kế hoạch xử lý.

Một số địa phương đã xây dựng được hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, làm thế nào để vừa tận dụng được hạ tầng sẵn có, vừa đáp ứng được yêu cầu mới khi chuyển đổi lên quận?

Chương trình nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của nhiều địa phương. Các huyện, các xã đa phần xây dựng và hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của địa phương mình. Song chưa có sự liên kết giữa các điểm dân cư nông thôn với khu vực đô thị.

Giống như ở Hà Nội hiện nay, một số huyện như Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai đã hình thành được một mạng lưới giao thông liên kết các khu vực dân cư nông thôn với đô thị, với hệ thống đường giao thông được phân cấp. Tuy nhiên, song song với việc đầu tư về hạ tầng giao thông, rất cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đi kèm như đầu tư vào hệ thống cấp nước. Hiện nay hệ thống cấp nước ở khu vực các huyện còn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, người dân vẫn đang sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm…

Nhằm hoàn thiện các tiêu chí lên quận, huyện Đông Anh không chỉ cần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa mà còn phải phát triển đồng bộ cả về hạ tầng giao thông. Ảnh: VOV

Nhằm hoàn thiện các tiêu chí lên quận, huyện Đông Anh không chỉ cần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa mà còn phải phát triển đồng bộ cả về hạ tầng giao thông. Ảnh: VOV

Chúng ta cần phải xây dựng mạng lưới cấp nước sạch từ các nhà máy hiện đại, xây dựng hệ thống truyền tải và kết nối để cung cấp nước cho người dân. Đối với hệ thống thoát nước, ở khu vực này có thể sử dụng mô hình thoát nước phân tán, nhưng cần lưu ý đến các vị trí đặt khu vực xả thải hoặc các trạm xử lý nước thải.

Vậy theo ông đâu là những vấn đề các địa phương cần lưu ý để giải quyết vấn đề môi trường khi chuyển đổi từ huyện lên quận?

Quá trình đô thị hóa có thể dẫn đến hệ thống ao hồ bị san lấp và xuất hiện thêm nhiều dự án đô thị mới, nên lãnh đạo các địa phương, các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu để xây dựng những phương án, giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường.

Đối với các huyện ngoại thành hiện nay, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật khung cho địa phương. Hạ tầng kỹ thuật khung đảm bảo tính đồng bộ và kết nối giữa các điểm dân cư với nhau và giữa các điểm dân cư với các huyện, các xã. Nhà nước cần có chính sách hoặc kêu gọi đầu tư cụ thể mới tạo điều kiện cho các khu vực này phát triển.

Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung có thể giúp các địa phương dễ dàng ứng phó và xử lý các vấn đề môi trường trong tương lai. Đặc biệt, cần phải đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải hoàn chỉnh, đồng bộ. Bên cạnh đó, ngoài việc thu gom, vận chuyển rác thải ở các điểm dân cư nông thôn, các địa phương nên bố trí các địa điểm có thể tập trung đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải cho một khu vực, huyện.

Đồng thời, các địa phương cũng cần đầu tư thêm các điều kiện về dịch vụ, môi trường xanh sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện đi lại thuận lợi giữa khu vực ngoại thành với khu vực lõi trung tâm. Có như vậy, người dân mới không thấy có nhu cầu nhất thiết phải sống trong các khu vực đô thị.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lê thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-noi-chuyen-huyen-thanh-quan-ha-tang-ky-thuat-phai-di-kem-su-phat-trien-28330.html