Hà Nội có 1.000 xe đạp công cộng đưa vào hoạt động
Sáng 23/11, cả đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng ngồi bàn luận, hiến kế để đưa dịch vụ xe đạp công cộng Hà Nội tiếp cận nhiều người dân cũng như có hướng phát triển bền vững, lâu dài.
Tại tọa đàm được tổ chức tại báo Giao thông và các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết để duy trì, phát triển loại hình xe đạp công cộng xanh, "không khói".
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược phát triển GTVT - nêu vấn đề, là một trong những loại hình phương tiện "xanh", xe đạp đang là phương tiện phổ biến và quen thuộc cả ở Việt Nam và nhiều nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong việc phát triển xe đạp công cộng trong cuộc sống người dân.
Khẳng định xe đạp công cộng có thị trường, có khách song để tồn tại và phát triển thành công, ông Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng bên cạnh những thành công bước đầu đạt được vẫn còn nhiều thách thức khi duy trì và phát triển dịch vụ này.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được triển khai dịch vụ xe đạp công cộng tại Thủ đô Hà Nội từ tháng 8/2023, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, trước Hà Nội, công ty đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng từ năm 2021 tại TP.HCM.
Theo chia sẻ của ông Quân, từ năm 2021, dịch vụ xe đạp công cộng đã bắt đầu triển khai ở Hồ Chí Minh, cho tới khi triển khai Hà nội, tổng số lượng có tới 2.700 xe, riêng Hà Nội có 1.000 xe. Lượng người đăng kí sử dụng dịch vụ "app" hiện đạt tới 650.000 người sử dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên ông Quân cũng cho biết thực tế, chỉ trong 4 tháng đi vào sử dụng, lượng khách trải nghiệm dịch vụ rất đông nhưng hiện nay lại đang giảm dần.
"Chính vì vậy, chúng tôi đưa ra những gói ưu đãi để xem lượng khách trung thành thực sự có nhu cầu là bao nhiêu. Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm vé tháng 20.000 đồng/tháng, lượng người tham gia là khoảng 1.000 người.
Sau gần hai năm triển khai đi qua nhiều thành phố, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của Chính phủ, người dân và cả những chính khách nước ngoài như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa qua. Đây chính là động lực, cơ sở để từ đây phát triển xe đạp công cộng mạnh hơn ở Việt Nam", ông Quân nói.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng của Tập đoàn Trí Nam trong triển khai xe đạp công cộng trên 6 tỉnh thành của cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội thời gian gần đây.
Tại thành phố Hà Nội, mạng lưới vận tải công cộng lớn có đặc thù là ngõ nhỏ phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, xe buýt lên tới hàng km. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý.
Với góc độ quản lý nhà nước, ông Phan Trường Thành cho rằng, ở giai đoạn này, không thể phát triển nóng để dẫn tới những thất bại từng có.
"Thứ nhất, giai đoạn đầu của người dân chỉ là trải nghiệm. Thứ hai, hạ tầng để triển khai còn nghèo nàn. Cùng đó, các nghiên cứu chuyên sâu về hạ tầng chưa có và cũng chưa có thể chế pháp lý để phục vụ cho dịch vụ này. Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm và nền tảng công nghệ của người dân còn ít."
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.
Xe đạp cần kết nối vận tải công cộng
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của công ty Vận tải số Trí Nam. Theo ông Quân, việc trợ giá ở cho phương tiện công cộng tại Việt Nam chủ yếu về chính sách. Điều đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận hành nhưng phải theo chính sách của nhà nước, ví dụ như qua thời gian thí điểm và đạt được những kết quả khả quan.
"Chúng tôi xin đề xuất Nhà nước quan tâm hơn nữa cho dịch vụ xe đạp, tạo điều kiện về đảm bảo an ninh an toàn ở các điểm trạm, coi chúng tôi như các dịch vụ công cộng khác để được hưởng ưu đãi; đưa loại hình này vào hệ thống giáo dục, tuyên truyền từ trẻ mầm non để trẻ hiểu đây là phương thức để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường."
Đưa ra câu trả lời cho câu hỏi có nên trợ giá cho xe đạp công cộng hay không, ông Thành chia sẻ: "Ta hãy dùng từ nhà nước hỗ trợ chứ không phải trợ giá. Hỗ trợ về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và dĩ nhiên, mọi thứ cần sự hiệu quả. Cơ quan nhà nước luôn định hướng hài hòa lợi ích của 3 bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp."
Theo ông Thành, đây là loại hình còn mới, nhưng khi làm phải thận trọng và tính toán sự phù hợp với từng khu vực và đô thị. Nhà nước luôn ưu tiên, tính toán tới hiệu quả cho xã hội. Kết quả thực hiện thời gian tới sẽ là câu trả lời quan trọng nhất.
Thủ tướng cũng đã ban hành Nghị định 49, có điểm quan trọng cho thành phố Hà Nội và TP.HCM là nghiên cứu các hệ thống đường dành riêng cho xe đạp, tăng cường các bãi đỗ xe tiếp cận hệ thống nhà ga, bãi đỗ.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Quân cho rằng, với 417 km đường sắt đô thị quy hoạch đến năm 2030, Công ty Trí Nam thấy ở các điểm lên xuống kết nối với đường sắt rất hạn chế. Doanh nghiệp mong muốn sẽ được dành một quỹ diện tích để đảm bảo kết nối thuận tiện hơn ngay tại các điểm. Khi mà hoàn thành hệ thống đường sắt thì xe đạp công cộng chắn chắn sẽ đem tới những hiệu quả nhất định. Nếu di chuyển phương tiện công cộng hiệu ứng sẽ lớn hơn và đây sẽ là cơ hội để xe đạp công cộng phát triển, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn nữa.
Phát biểu trong tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhận định: "Với các phương tiện khác, hiện tại giá xe đạp công cộng vẫn rẻ, đủ để người dân có thể chấp nhận được. Do đó, tôi nghĩ doanh nghiệp như Công ty Trí Nam cần nhiều hơn ngoài trợ giá, đó là môi trường, cơ chế chính sách…"
Ông Hải cho rằng, Việt Nam cũng nên theo hướng nhà nước quan tâm hỗ trợ điều kiện về hạ tầng cho phương tiện phát triển như nhiều quốc gia khác, cần xem xe đạp như loại hình vận tải công cộng và được hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để dịch vụ có hành lang phát triển đúng hướng. Sau đó sẽ tiếp tục có giải pháp trợ giá cho người dân.