Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu ở khu cách ly, phong tỏa.

Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Báo cáo của Hà Nội cho biết trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 6h ngày 14/9), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.080 ca mắc Covid-19, trong đó, 1.595 ca ngoài cộng đồng; 2.225 ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa; 213 ca mắc trong bệnh viện; 47 ca nhập cảnh.

Hà Nội đã xây dựng phương án 40.000 giường điều trị Covid-19

Tại buổi làm việc, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thông tin để phòng chống dịch Covid-19, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và chủ động ngay từ cơ sở. Bên cạnh Ban Chỉ đạo chống dịch thành phố, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên thành lập Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19.

"Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, thành phố có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu khu cách ly, khu phong tỏa. Hà Nội 'nóng' như vậy, nguy cơ cao nhưng vẫn giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có hỗ trợ từ Bộ Y tế", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Hiện, Hà Nội vẫn duy trì việc cách ly F1 tập trung. Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng cho biết thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng cho 120.000 người. Hiện nay, thành phố đã kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung cho tối đa 70.000 người.

Về điều trị, Hà Nội đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19, trong đó tỷ lệ tầng 1 là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%). Thành phố đã có phương án về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cho các cơ sở điều trị hoạt động hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết để triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, thành phố đã huy động các lực lượng tham gia và công xuất xét nghiệm đạt gần 70.000 mẫu đơn, tương đương 700.000 mẫu gộp 10/ngày.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay tốc độ xét nghiệm tăng lên trong các ngày gần đây nhưng ca mắc cộng đồng giảm nhiều, cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8. Lượng F0 giảm xuống thấp nhất ngày 12/9 là 4 ca, ngày 9/9 không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.

Đến nay, tính cả 97.000 liều vaccine AstraZeneca mới được phân bổ ngày 14/9, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 5,4 triệu liều vaccine Covid-19. Tổng cộng Hà Nội đã tiêm hơn 5,13 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (trong đó, hơn 4,7 triệu mũi một và hơn 425.000 mũi 2).

Chú ý ngăn dịch vào khu công nghiệp

Do đặc điểm của biến chủng Delta, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch luôn hiện hữu, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Vùng phong tỏa cần thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Về điều trị, thành phố phải thực hiện nghiêm phân tầng theo đúng quy định của Bộ Y tế. "Nếu làm tốt phân tầng và điều trị hiệu quả ở tầng 1 và tầng 2 sẽ tránh được gánh nặng cho tầng 3, đồng thời giảm nguy cơ cho người bệnh", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/cụm công nghiệp vì dịch tại đây và cộng đồng có liên quan đến nhau.

Theo đó, Hà Nội phải yêu cầu 100% doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể và chủ doanh nghiệp phải ký cam kết công tác phòng chống dịch với ban quản lý khu/cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ).

 Phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Linh.

Phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Linh.

"Chúng ta phải đảm bảo theo đúng phương châm 'An toàn để sản xuất. Sản xuất phải an toàn'", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Đối với doanh nghiệp ở vùng xanh, thuộc trạng thái bình thường mới cần sàng lọc 7 ngày/1 lần. Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khỏe của F0 tại nhà; xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động.

Ông cũng lưu ý Hà Nội sau đợt tổng xét nghệm lần này, thành phố cần đánh giá lại trên cơ sở Quyết định 2686/QĐ-BYT về đánh giá mức độ nguy cơ các vùng, để từ đó có kế hoạch xét nghiệm tiếp theo phù hợp. Đồng thời, Hà Nội cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể để gỡ bỏ phong tỏa từng khu vực, căn cứ trên hướng dẫn tại Quyết định 2686.

Trong công tác tiêm chủng vaccine, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội tiêm nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn; lưu ý cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chiều tối 15/9, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi UBND thành phố, báo cáo về danh sách quận, huyện không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng từ ngày 3/9.

Theo đó, từ ngày 3/9 đến 18h ngày 5/9, 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng là: Bắc Từ Liêm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Ba Đình, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Cầu Giấy, Tây Hồ.

Như vậy, từ 12h ngày 16/9, các quận, huyện, thị xã trên được mở lại một số hoạt động. Các hoạt động được cho phép gồm: Văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Nguy cơ từ những bài thuốc trị Covid-19 lan truyền trên mạng Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định người dân không nên nghe và làm theo các bài thuốc truyền miệng về trị Covid-19 khi chưa có sự kiểm chứng của cơ quan y tế.

Thái Bình - Võ Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-co-ban-da-kiem-soat-duoc-dich-covid-19-post1263379.html