Hà Nội có bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên?
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành sửa đổi Nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện nay Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành.
Tại văn bản của Văn phòng Chính phủ vừa ban hành, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 có nội dung về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cụ thể, văn bản nêu rõ, về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo Nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền lợi, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, tại Hà Nội, gần 2.500 giáo viên đã đồng loạt ký tên vào tâm thư gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục – Đào tạo đề nghị bỏ kỳ thi thăng hạng với giáo viên, chuyển sang xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Tại cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và giáo viên toàn quốc diễn ra ngày 15/8, nhiều ý kiến giáo viên cũng đề nghị xem xét bỏ kỳ thi thăng hạng.
Trao đổi với VOV.VN chiều nay (17/8), ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, sau khi nhận được tâm thư của gần 2.500 giáo viên, Sở Nội vụ đã trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đồng thời căn cứ theo quy định cũng như tình hình thực tế của Hà Nội để có những đề xuất phù hợp.
Theo ông Cảnh, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đã quy định ngạch công chức đối với công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Để tổ chức thực hiện các luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 Quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ “Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp”.
"Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành sửa đổi Nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện nay Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành", ông Cảnh nói.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, đối với ngành Giáo dục Hà Nội, ngoài thực hiện Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGĐT ngày 30/11/2021 “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”. Thông tư này cũng hướng dẫn 2 hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó, xét thăng hạng có rất nhiều tiêu chí chấm điểm về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và phải rà soát, thẩm định, phê duyệt từng hồ sơ.
Ông Trần Đình Cảnh cũng cho biết, việc tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Song do diễn biến của dịch Covid-19, nên trong 3 năm qua, Hà Nội không tổ chức thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đến nay, Hà Nội có khoảng 30.000 hồ sơ của giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng. Với số lượng hồ sơ lớn, việc chấm hồ sơ phải huy động đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn, thời gian kéo dài, tốn kém cho phí và khả năng khó thực hiện.
Hiện nay, do chưa có số liệu chính thức hồ sơ đăng ký nên phương án thi hay xét thăng hạng chưa được Sở Nội vụ quyết định và chưa đề xuất cụ thể. Sau khi có danh sách chính thức vào ngày 30/9/2023, dự kiến trong tháng 10/2023, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án trình UBND thành phố, trong đó nêu rõ thi hay xét thăng hạng. Trong tháng 11, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023.
Cô Nguyễn Thị Thắm, giáo viên THPT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng kiến nghị nghị Sở Nội vụ cần sớm có công văn hướng dẫn cụ thể về hình thức thi hay xét thăng hạng cũng như thời gian để giáo viên yên tâm công tác, chuẩn bị cho năm học mới.
"Hiện nay chuẩn bị bước vào đầu năm học mới, nhất là khi triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên có vô vàn việc phải chuẩn bị, nhất là việc nghiên cứu SGK, thiết kế bài giảng, giáo án, tập huấn... Thế nhưng vẫn phải tranh thủ thời gian không kể ngày đêm để ôn thi thăng hạng. Việc thi thăng hạng không chỉ mang tính hình thức, không đánh giá được đúng năng lực chuyên môn của giáo viên mà con tăng thêm áp lực cho thầy cô trong bối cảnh vốn đã rất nhiều áp lực khi thực hiện chương trình mới", cô Thắm nói.
Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cũng cho rằng: "Chúng tôi tự thấy mình đã nỗ lực rất nhiều, vượt qua những áp lực công việc, trăn trở tìm tòi để có được những bài giảng tốt nhất, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Nếu đội ngũ giáo viên mải ôn thi thăng hạng thì sẽ không còn thời gian, tâm huyết cho việc soạn bài và giảng dạy hàng ngày, như vậy thiệt thòi lại chính là các em học sinh.
Hơn nữa, việc được Hội đồng nhà trường xét duyệt, thông qua hồ sơ dự thi thăng hạng, sau đó Phòng Nội vụ huyện, Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT rà soát cũng chứng tỏ rằng chúng tôi đã có cống hiến, thành tích, đủ điều kiện để xứng đáng với chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. Do đó, giáo viên tha thiết bày tỏ nguyện vọng được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II, mà không phải dự thi".