Hà Nội: Có nhà, có con cháu, cụ bà 74 tuổi vẫn thích sống tạm bợ dưới gầm cầu
'Năm nay tôi 74 tuổi. Tôi có nhà đấy, nhưng 10 năm nay ở đây rồi. Tôi cảm thấy thích, thoải mái thì ở thôi...', bà Lụa cười cười kể.
12h trưa, trong "căn nhà" tạm bợ, xập xệ dưới gầm cầu Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), bà cụ 74 tuổi Nguyễn Thị Lụa cúi gập lưng sắp xếp đủ loại chai lọ, túi nilon, hộp giấy... vào từng góc. Đây là thành quả sau 1 buổi sáng rong ruổi khắp khu vực Đường Láng, Yên Hòa... để nhặt phế liệu của bà.
Còn chỗ ở ngay dưới gầm cầu, nằm sát sông Tô Lịch đen kịt này chính là "đại bản doanh" để bà tập kết phế liệu và sinh sống.
Khi PV tìm đến "căn nhà" tạm dưới chân cầu của bà Lụa, bà cười khà khà bảo: "Các cậu tìm đến đây làm gì. Tôi đi nhặt phế liệu cả ngày đâu có thời gian mấy đâu mà kể chuyện".
"Năm nay tôi 74 tuổi. Ở quanh đây, hễ hỏi về bà già này thì không ai không biết, chuyện buồn chuyện vui đủ cả. Tôi có nhà đấy mà 10 năm nay tôi ở đây rồi".
"Căn nhà" của bà Lụa rộng chỉ chừng chục mét vuông, chật kín đủ thứ phế liệu. Thấp bé như bà Lụa mà bà còn phải cúi gập người, lom khom di chuyển trong "nhà".
"Ai không quen vào đây thì va đầu vào tường ngay. Tôi đã thông thuộc nơi này rồi mới sống nổi thôi", bà Lụa bảo.
Để đi ra đi vào khu vực này, cụ bà 74 tuổi phải bám riết vào những thanh sắt, mon men đi từng bước nhỏ. Đoạn bờ kè dốc, hay trơn trượt nên việc đi lại không mấy dễ dàng.
Hàng ngày bà Lụa đi tập kết phế liệu, chủ yếu là sắt vụn, giấy bìa carton, chai nhựa,… Bà đi làm bất kể ngày hay đêm, miễn là lúc ấy bà khỏe và rảnh rỗi.
Chỗ ngủ của bà Lụa chỉ vỏn vẹn 1 góc chừng 1 mét vuông, được bao quanh bởi đồ đồng nát, 1 chiếc chăn và 1 chiếc màn mà bà nhặt được. Bà bảo, trước đây còn có ít đồ để nấu ăn nhưng giờ thì bà không nấu được nữa, đi mua đồ về ăn, tiện lúc nào ăn lúc đó.
"Mọi người cứ bảo tôi khổ chứ tôi thấy thoải mái mà, có gì mà khổ đâu. Tôi có nhà đấy chứ. Chẳng qua tôi thích ở đây nên tôi ở thôi", bà Lụa vừa nói vừa chỉ tay về hướng ngôi nhà của mình.
Được biết, bà Lụa có hai người con trai. Bà có một ngôi nhà ở mặt phố Nguyễn Khang rộng khoảng 10 mét vuông. Hiện nay con trai cả của bà và vợ con đang sống tại đó.
"Con trai cũng khuyên nhủ tôi về nhà nhiều năm nay rồi, chứ tôi sống thế này người ngoài nhìn vào họ cười cho. Tôi thì có lý do của riêng mình. Mấy lần tôi cũng về nhưng đêm đến cháu nhỏ nó khóc, tôi ngủ không nổi nên lại ra đây. Ở đây tôi thấy thoải mái mà", bà Lụa cho hay.
Khi được hỏi, ngày lễ ngày Tết bà có về nhà sum họp với con cháu không, bà Lụa chỉ lắc đầu, nhìn ra xa.
"Tôi quen một mình rồi. Ngày đi làm cũng kiếm được 40 - 50 ngàn, đủ ăn uống sinh hoạt. Bây giờ tôi còn sức khỏe thì tôi còn tự làm, chưa muốn phiền con cháu. Chúng nó cũng không có điều kiện".
Dù tự nhận mình thích ở đây vì thoải mái nhưng cũng có lúc, bà Lụa trầm ngâm: "Lúc mưa gió rét buốt cũng hơi sợ, chẳng biết mình đổ bệnh lúc nào. Thỉnh thoảng thì tôi nghĩ, lúc trèo qua lan can vào đây mà sẩy chân một cái thì lăn xuống sông chết đuối mất".
Theo tìm hiểu, trước đây, UBND Phường Yên Hòa cũng từng nhiều lần làm việc với bà Lụa và các con để bà Lụa không ở gầm cầu nữa. Thế nhưng không lâu sau bà Lụa lại dọn xuống gầm cầu để sinh sống.