Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước
Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit) được diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 29-30/8.
Đây là diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội bởi Tổ chức đổi mới sáng tạo toàn cầu Schoolab (Pháp) và Startup Sesame (Pháp), dưới sự bảo trợ của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng đến sự tham gia đa thành phần và tính bền vững ở các nền kinh tế mới nổi”.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, với vị thế là Thủ đô của Việt Nam, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế và là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành Trung tâm của cả nước.
Trong những qua, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục lớn mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2019 đạt kỷ lục với hơn 88 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 30,5% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 1992 đến nay, nâng tổng số doanh nghiệp của Hà Nội lên hơn 272 nghìn doanh nghiệp. Trên địa bàn Thành phố hiện có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng tại Hà Nội.
Đảng bộ, chính quyền Thành phố cũng luôn đặt nội dung: “Khơi dậy và phát huy tinh thần , khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, hưởng ứng tích cực tinh thần Quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, Thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đầu tháng 7/2019, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn với mục tiêu khuyến khích hỗ trợ phát triển khởi nghiệp tại Hà Nội (NQ 05). Mục tiêu của NQ 05 là phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó hỗ trợ 150 DN thương mại hóa sản phẩm với ít nhất là 2% DN gọi vốn, tổng giá trị mua bán, sáp nhập ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, nghị quyết đã ban hành kèm theo 5 nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ hết sức thiết thực. Trong các nhóm hỗ trợ tại NQ 05, thành phố đưa ra 2 mức hỗ trợ 50% kinh phí và 100% kinh phí. Mức hỗ trợ 50% cho các thành phần khác của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ 100% kinh phí cho các nội dung sở hữu trí tuệ….
Thể hiện sự tin tưởng Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu về khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước, tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện chiến lược về khởi nghiệp và sẽ ra mắt vào cuối năm nay, tạo cơ sở để các địa phương phát triển các thế mạnh của mình, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới nhằm kết nối tri thức, chuyên gia người Việt đang ở ngoài nước quay lại đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Việc thành lập trung tâm khởi nghiệp quốc gia đầu tiên tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ là nơi quy tụ chuyên gia cũng như thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong cả nước.
Sự kiện được diễn ra trong hai ngày từ ngày 29-30/8 với 6 hoạt động diễn ra song song tại các khu vực: sân khấu chính, sân khấu doanh nghiệp, sân khấu doanh nghiệp khởi nghiệp, phòng hội thảo, khu vực kết nối và hoạt động trưng bày, triển lãm của hơn 100 startups từ gần 20 quốc gia…
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, vòng chung kết cuộc thi startup Ơi award cũng được tổ chức với phần tranh tài của top 60 startup nổi bật nhất. Hội đồng ban giám khảo uy tín từ trong nước và quốc tế đã chọn ra top 6 startup xuất sắc nhất để trao giải thưởng $10,000 tiền mặt...