Hà Nội có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Sáng 17/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cùng đoàn công tác TP kiểm tra thực tế mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đông Anh.
Đồng thời chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo quý I/2023 về việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận một số cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Tham gia buổi làm việc có Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng đoàn công tác TP kiểm tra công trình Nhà văn hóa Tổ dân phố Thị trấn Đông Anh; Trường Mầm non Phúc Lộc, xã Uy Nỗ; Dự án kè sông Đào và đường gom hai bên Quốc lộ 3; dự án kè ao hồ và đường giao thông xung quanh thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương; Nhà văn hóa huyện và kè ao hồ, cảnh quan xung quanh Nhà văn hóa huyện Đông Anh.
15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trình bày báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU quý I/2023, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong năm 2022, TP có thêm 3 huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM tính đến hết năm 2022 lên 15/18 huyện, thị xã.
Đối với 3 huyện chưa đạt, đến nay, huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đã được Đoàn thẩm định của TP thẩm định; các sở, ngành có báo cáo đánh giá; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã lấy ý kiến sự hài lòng của Nhân dân đủ điều kiện. Sở NN&PTNT đã có Tờ trình đề nghị tổ chức họp, xét công nhận huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đạt chuẩn NTM năm 2022 gửi UBND TP. Còn huyện Mỹ Đức đã cơ bản đủ điều kiện theo quy định, hiện đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ dự kiến gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM trong tháng 3/2023 để tiến hành thẩm định, lấy ký kiến các sở ngành trước khi trình UBND TP theo quy định.
Về xây dựng huyện NTM nâng cao, hiện nay có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023.
Với nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong năm 2022, toàn TP có thêm 63 xã được thẩm định đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch TP giao) và đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn TP đến hết năm 2022 lên 111 xã. Cũng trong năm 2022, TP có thêm 15 xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM (đạt kế hoạch), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn TP đến hết năm 2022 lên 20 xã…
Đề xuất các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận sự vào cuộc tích cực, triển khai quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 04-CTr/TU. Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn ở một số địa phương mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế...
“Nhiệm vụ bao trùm năm 2023 là TP có thêm 3 huyện (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) đạt chuẩn NTM; 5 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai) đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Đối với 5 huyện đang triển khai Đề án lên quận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị tiếp tục rà soát lại các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với tiêu chí xây dựng huyện lên quận, xã lên phường. Trong đó phấn đấu đến cuối năm nay có 2 huyện Gia Lâm và Đông Anh hoàn thành hồ sơ, Đề án lên quận trình Trung ương. Đến nay, huyện Đông Anh và Gia Lâm đã hoàn thành 30/31 tiêu chí lên quận.
Với các huyện, thị xã còn lại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, trên cơ sở kết quả tham quan thực tế tại huyện Đông Anh, các huyện cần khẩn trương triển khai Quy hoạch vùng huyện theo nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt. Cùng với đó, quan tâm triển khai đồng bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, quản lý chặt chẽ theo quy hoạch.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp của TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị thành lập tổ công tác rà soát, đánh giá tác động của Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND Thành phố về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội, trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo các cấp thẩm quyền để trình HĐND TP vào kỳ họp tháng 7 tới.
“Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 04, dự kiến vào tháng 4 năm nay. Cùng với đó, mỗi huyện xây dựng từ 1-2 mô hình sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hướng về cơ sở để nâng cao đời sống Nhân dân” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-co-them-3-huyen-dat-chuan-nong-thon-moi.html