Hà Nội: Coi trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quan lý (CBQL) giáo dục, coi việc phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL là khâu then chốt để triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Hà Nội luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục (Ảnh: GDBĐ)

Hà Nội luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục (Ảnh: GDBĐ)

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, ngành Giáo dục Hà Nội đã có thay đổi rõ rệt về chất, trong đó có chất lượng đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục.

Đến nay, toàn TP gần 123.000 giáo viên (tăng hơn 50.000 giáo viên so với cùng kỳ năm 2008), trong đó: cấp mầm non có khoảng 48.000 giáo viên (tăng 32.350), cấp tiểu học có 31.390 giáo viên (tăng 11.144), cấp THCS có gần 27.000 giáo viên (tăng 6.000), cấp THPT có 15.554 giáo viên (tăng 4.000).

TP luôn quan tâm, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ CBQL và giáo viên. Hàng năm, TP phê duyệt kế hoạch và cấp kinh phí đào tạo bồi dưỡng (đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng chuyên môn,nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…), nhằm trang bị cho đội ngũ CBQL và giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và yêu cầu về giảng dạy chương trình GDPT 2018 và SGK mới.

TP tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục thực hiện đúng và đầy đủ mọi chế độ, chính sách để thu hút và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên bao gồm công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học về trình độ đào tạo. Hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng và phù hợp về cơ cấu theo quy hoạch phát triển nhân lực của ngành và Thủ đô….

Cùng với đó, TP và ngành Giáo dục luôn công khai, công bằng trong cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong tuyển dụng; có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, CBQL và ưu tiên với nhà giáo có trình độ cao. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và CBQL được thực hiện trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác…

TP và ngành Giáo dục cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để CBQL và giáo viên được tiếp cận, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giỏi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, ngoài nước; đảo đảm sự bình đẳng về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giữa cán bộ quản lý và giáo viên các trường công lập và trường ngoài công lập.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP và sự chủ động, tích cực tham mưu của ngành Giáo dục, đội ngũ nhà giáo, CBQL của Hà Nội cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-coi-trong-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-can-bo-quan-ly-giao-duc.html