Qua đường dây nóng, báo Tiền Phong nhận được phản ánh của người dân phường Vĩnh Tuy về tình trạng Công viên Hồ Cần trong nhiều năm bị một số người chiếm dụng để trồng rau, mở hàng quán, đổ rác. Đặc biệt, có nhiều hộ dân đã xây dựng công trình, lợp mái che, mái vẩy lấn chiếm vào diện tích đất công viên.
Theo tìm hiểu, Công viên hồ Cần thuộc Đề án "Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội" được xây dựng hoàn thành năm 2011 với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Việc cải tạo Hồ Cần nhằm góp phần điều hòa, cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị tại địa bàn phường Vĩnh Tuy nói riêng và TP. Hà Nội nói chung.
Công viên sau khi hoàn thành là nơi thu hút đông đảo người dân phường Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) đến vui chơi, tập thể dục, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều dấu hiệu lấn chiếm. Mái hiên màu xanh của hộ dân trong ảnh được lắp đặt trên đất công viên.
Tuy nhiên, do công tác quản lý không tốt, không được tu sửa, nên công viên xuống cấp, trở nên nhếch nhác. Gạch lát bị bong tróc, ghế đá bị gãy đổ; hàng rào bảo vệ chỉ còn trơ các hàng cọc bằng sắt, không còn rào lan can bảo vệ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
Hầu hết các thảm cỏ trong công viên bị người dân quây kín rào để trồng rau. Những khu vực trống, nơi vui chơi, lắp đặt các thiết bị tập thể dục cũng bị người dân chiếm dụng kê bàn ghế kinh doanh hàng quán.
Điều này khiến không gian dành cho người đi bộ, tập thể dục bị thu hẹp lại. Việc kinh doanh làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Ông Trần Anh Tiến, một người dân thường tập thể dục tại công viên Hồ Cần bức xúc nói: Công viên Hồ Cần khi mới xây dựng xong, cảnh quan đô thị của phường khang trang, nhân dân phấn khởi vì có không gian vui chơi thoáng mát.
Nhưng chỉ được một thời gian, không ai chăm sóc, các hạng mục xuống cấp, không được sửa chữa, không gian trồng thảm cỏ bẩn thỉu, cỏ mọc um tùm nên người dân vào cắt cổ, xới đất để trồng rau. Nơi nào không trồng được rau thì đổ rác thải, khiến không gian vui chơi trở nên hỗn tạp, nhếch nhác.
"Có thể do đây là địa bàn giáp ranh giữa phường Vĩnh Tuy và phường Vĩnh Hưng nên việc quản lý của chính quyền còn lỏng lẻo, "cha chung không ai khóc" mới dẫn đến việc này", ông Tiến nói.
Bà Phạm Thị Tâm, phường Vĩnh Hưng cũng bức xúc: Đây là công viên chứ không phải nơi để trồng rau, mở quán bán nước. Dân đi tập thể dục rất đông nhưng không gian công viên bị chiếm dụng khiến nhân dân phải chen chúc trong không gian chật chội. Cùng với đó là rác thải, mùi hôi thối nồng nặc do người dân ủ phân, tưới rau rất khó chịu.
"Mong chính quyền sớm tháo dỡ, giải tỏa tình trạng lấn chiếm tại công viên để trả lại cảnh quan môi trường sạch đẹp cho Công viên Hồ Cần", bà Tâm bày tỏ.
Nhiều người còn gom củi, gỗ đến một khu vực để đốt
Rác thải có thể thấy khắp nơi
Trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Lợi, cán bộ địa chính phường Vĩnh Tuy cho biết, Công viên Hồ Cần sau khi được xây dựng, cải tạo, chủ đầu tư chưa bàn giao cho phường quản lý. Tuy nhiên, trước thực trạng người dân lấn chiếm không gian công viên, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, UBND phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ, giải tỏa các điểm vi phạm trật tự đô thị. Đồng thời, cho người dân ký cam kết tự tháo dỡ các công trình vi phạm trả lại cảnh quan cho công viên.
Việc vi phạm lấn chiếm Công viên Hồ Cần là nghiêm trọng, nên không thể ngày một, ngày hai sẽ xử lý xong. Lãnh đạo phường, cùng lực lượng chức năng, các đoàn thể tiến hành dọn dẹp vào các ngày thứ 7 hằng tuần và trong tháng 12/2023 sẽ hoàn thành việc dọn dẹp trả lại không gian cho công viên.
Ông Lợi cho biết thêm, đối với những hộ dân xây dựng công trình lấn chiếm, phường đã có thông báo, nếu gia đình nào vi phạm mà không tự giác chấp hành tháo dỡ, lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế. Mặt khác, UBND phường làm việc với Xí nghiệp Thoát nước số 3 sửa chữa các hạng mục công trình bị hỏng, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Viết Hà