Hà Nội cùng nhiều thành phố châu Á chia sẻ kinh nghiệm tái tạo đô thị

Trong khuôn khổ Tuần Lễ Thiết kế sáng tạo năm 2023, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, quan khách. Trong đó có hơn 20 đại biểu đại diện cho các thành phố sáng tạo của UNESCO, cùng các đại diện thuộc các thành phố dự kiến sẽ xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập mạng lưới vào năm 2025 và các năm tiếp theo.

Hội nghị Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat và các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội- Vũ Thu Hà khẳng định, việc gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sau gần 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, mặc dù vừa trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa nhưng Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập mạng lưới.

Quang cảnh hội nghị diễn ra tại bảo tàng Hà Nội

Quang cảnh hội nghị diễn ra tại bảo tàng Hà Nội

Đáng chú ý, Hà Nội là thành phố đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, Thành phố đã tổ chức 8 hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội - Thành phố Sáng tạo; hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

"Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hàng năm với các chủ đề “Khơi nguồn Sáng tạo” năm 2021, “Sáng tạo và công nghệ” năm 2022 và năm 2023 là “Dòng chảy” với chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm tái thiết đô thị, phát huy và sáng tạo văn hóa, tái thiết di sản công nghiệp", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Vũ Thu Hà nói.

Với chủ đề "Tái tạo đô thị và phát triển bền vững", hội nghị là nơi trao đổi cùng với các tham luận sâu sắc của các đại diện đến từ các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực. Các đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm, lợi ích và khó khăn khi gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo, từ đó đưa ra những thảo luận và ý kiến bổ ích về kế hoạch hành động trong tương lai và tiềm năng hợp tác quốc tế trong mạng lưới sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Từ những thông tin, chia sẻ quý báu của đại diện các thành phố sáng tạo, có thể thấy rằng mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là một bước đệm vô cùng quan trọng trong phát triển văn hóa - sáng tạo nói riêng và xây dựng đô thị nói chung.

Tuy nhiên, quy trình ứng cử tư cách thành viên cũng là một thử thách không nhỏ với các thành phố tiềm năng. Những ý kiến chia sẻ của các thành phố đã thành công gia nhập mạng lưới và những thành phố hiện đang xây dựng lộ trình phát triển để trở thành một thành phố sáng tạo của UNESCO trong tương lai, sẽ là những kinh nghiệm quý báu nhằm góp phần xây dựng, phát triển văn hóa không chỉ Thủ đô Hà Nội mà còn cả các thành phố trong nước, trong khu vực, hướng tới tăng trưởng kinh tế, tái tạo đô thị vì cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Vũ Thu Hà tặng quà lưu niệm cho các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Vũ Thu Hà tặng quà lưu niệm cho các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh, với việc có thêm 55 thành phố mới tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mạng lưới này đã có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia. Khi tham gia vào mạng lưới, các thành phố sáng tạo đều hướng tới mục tiêu thành lập, phát triển trung tâm sáng tạo và đổi mới với việc mở ra thật nhiều không gian sáng tạo.

Việc phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân thành phố. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, chú trọng cải thiện, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động văn hóa sáng tạo, đồng thời, quan tâm hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Sự chung tay đóng góp của các đối tác, tổ chức, gồm các doanh nghiệp, các tổ chức bảo trợ, người cao tuổi, người khuyết tật… không chỉ mang lại sự phát triển bền vững, mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-cung-nhieu-thanh-pho-chau-a-chia-se-kinh-nghiem-tai-tao-do-thi-post558355.antd