Hà Nội: Đã chuyển 85 đơn, vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Trong năm 2024, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của công dân một cách kỹ lưỡng, chu đáo và giải thích, hướng dẫn trực tiếp với các trường hợp vụ việc. Theo đó, đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã nhận 252 đơn, chuyển 85 đơn, vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đề cập về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, sau kỳ họp thứ 8, hình thức tiếp xúc cử tri của ĐBQH tiếp tục được tổ chức linh hoạt, trực tiếp kết hợp trực tuyến để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8. Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 11 hội nghị để các vị ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 10 đơn vị bầu cử trên địa bàn Thành phố với tổng số trên 4.500 cử tri tham dự. Đoàn đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương và Thành phố xem xét trả lời, giải quyết theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, Đoàn ban hành Phiếu nhận xét, đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 7, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia Phiên thảo luận Tổ trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia Phiên thảo luận Tổ trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Đối với hoạt động tiếp công dân: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã tổ chức để các ĐBQH Tp.Hà Nội tiếp công dân định kỳ vào sáng thứ Sáu hàng tuần tại Trụ sở tiếp công dân của Thành phố. Lịch tiếp công dân được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thủ đô và thông báo tại các Trụ sở tiếp công dân. Tại các buổi tiếp công dân, các ĐBQH đã thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật tới công dân; trao đổi, nắm bắt tình hình của cử tri, Nhân dân và ở cơ sở; tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để hướng dẫn, chuyển đơn thư của công dân tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày hết 30/11/2024, có 27 ĐBQH thực hiện các buổi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Thành phố, đã tiếp 169 lượt công dân với 152 vụ việc. Tại buổi tiếp công dân, ĐBQH đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của công dân; đã giải thích, hướng dẫn trực tiếp với các trường hợp vụ việc; các ĐBQH đã nhận 252 đơn, chuyển 85 đơn, vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; lưu 167 đơn. Ngoài ra, bên cạnh vai trò tiếp công dân của ĐBQH, lãnh đạo Đoàn ĐBQH và một số ĐBQH trong Đoàn cũng đã trực tiếp tham gia tiếp công dân tại các đơn vị công tác.

Đối với các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Đoàn ĐBQH và ĐBQH thành phố Hà Nội được nghiên cứu, phân loại và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (kể cả đối với các công dân tỉnh ngoài có đơn). Trong đó, số đơn gửi trực tiếp tới ĐBQH đã được đại biểu nghiên cứu, xem xét xử lý hoặc đề nghị lãnh đạo Đoàn xem xét, xử lý. Đơn nhận tại các buổi tiếp công dân định kỳ đã được các ĐBQH hướng dẫn công dân trực tiếp tại trụ sở tiếp dân hoặc nghiên cứu, xem xét, xử lý ký phiếu chuyển đơn, công văn đôn đốc gửi tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết sau buổi tiếp công dân.

Hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng

Đánh giá chung về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra trên tất cả các lĩnh vực công tác như: xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân…

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai

Công tác giám sát, khảo sát được Đoàn triển khai thực hiện đúng tiến độ, nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện nghiêm túc đúng quy trình, hiệu quả và kết thúc đợt giám sát, khảo sát Đoàn đã báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có liên quan. Công tác xây dựng Luật ngày càng được tăng cường lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật. Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong Đoàn tiếp tục đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH Tp.Hà Nội cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác tiếp công dân được các ĐBQH thực hiện theo lịch phân công. Các ĐBQH tham dự các kỳ họp đông đủ, tích cực tham gia thảo luận tại Tổ và Hội trường. Các ý kiến phát biểu được các ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, thể hiện ý thức, trách nhiệm. Nhiều ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, số lượng các dự án Luật trình tại kỳ họp nhiều, nhiều dự án Luật, Nghị quyết được bổ sung vào Chương trình kỳ họp trong thời gian gấp, tài liệu gửi muộn. Một số dự thảo luật Văn phòng Quốc hội gửi, yêu cầu các Đoàn ĐBQH lấy ý kiến thời gian gấp nên ảnh hưởng đến việc tổ chức lấy ý kiến cũng như chất lượng văn bản đóng góp. Công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri còn chưa thường xuyên. Một số ĐBQH chưa thực hiện được lịch tiếp công dân do các công việc đột xuất khác nên một số ít ĐBQH còn vắng mặt phiên họp của Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, thay mặt Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2025. Theo đó, đối với công tác xây dựng Luật, pháp lệnh, Đoàn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành chức năng, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động vào các dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, 10, Quốc hội khóa XV. Tham gia trách nhiệm các Ban soạn thảo, tổ công tác xây dựng các đề án, dự án Luật được phân công.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Về hoạt động giám sát: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội sẽ thực hiện Kế hoạch giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” theo Nghị quyết số 131/2024/QH15 ngày 25/6/2024 của Quốc hội và giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát qua báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Tham dự Diễn đàn hoạt động giám sát của Quốc hội kết hợp với việc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri: Đoàn sẽ phối hợp với UBMTTQ Thành phố, UBND Thành phố và UBMTTQ, HĐND quận, huyện, thị xã chuẩn bị để ĐBQH tiếp xúc cử tri định kỳ trước, sau kỳ họp thứ 9, 10. Hoàn thiện Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi đến các cơ quan theo quy định. Tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri tại đơn vị công tác, nơi cư trú, theo nhóm đối tượng khi có yêu cầu.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tiếp tục xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Đoàn ĐBQH Thành phố theo quy định. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp công dân của đại biểu Quốc hội. Song song với đó là xây dựng Báo cáo Dân nguyện hàng tháng, cả năm gửi Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tham dự kỳ họp thường kỳ, kỳ họp bất thường, Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Đoàn sẽ tổ chức buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 9, 10; Họp Đoàn ĐBQH Thành phố để chuẩn bị kỳ họp thứ 9, 10; Tham dự Hội nghị ĐBQH chuyên trách, kỳ họp bất thường khi được triệu tập./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=91963