Hà Nội đã có ca mắc viêm não mô cầu, bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết bệnh
Biểu hiện viêm màng não là sốt, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng, ngoài ra bệnh điển hình sẽ có ban xuất huyết hoại tử hình sao ở trên da.
Theo báo cáo gần đây của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện trường hợp viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Bệnh dù nguy hiểm nhưng các chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể phòng bệnh bằng cách tiêm chủng vaccine.
ThS.BSNT Nguyễn Thị Hà - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Được biết, bệnh nhân trên ở thị xã Sơn Tây, được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng cho kết quả dương tính với não mô cầu.
ThS.BSNT Nguyễn Thị Hà - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn có tên Neisseria Meningitis lây qua đường hô hấp gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Vi khuẩn sống ở niêm mạc hầu họng của 10% người lành, gây sốc nhiễm khuẩn và thậm chí có thể tử vong.
“Bênh lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp bởi các giọt bắn có chứa vi khuẩn khi nói chuyện, ho, hắt hơi… Sau khi xâm nhập vào mũi họng, tại chỗ vi khuẩn nhân lên nhanh chóng gây viêm mũi họng,” bác sĩ Hà giải thích.
Tuy vậy, bệnh hoàn toàn có thể phòng bằng cách tiêm chủng vaccine não mô cầu. Ở những người khỏe mạnh đã tiêm phòng vaccine, bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi. Còn với những người cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc chưa tiêm phòng vaccine, vi trùng tiếp tục lan vào máu, đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng.
Biểu hiện viêm màng não ở trẻ em là sốt, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng, ngoài ra bệnh điển hình sẽ có ban xuất huyết hoại tử hình sao ở trên da. Nặng hơn nữa bệnh gây tình trạng nhiễm trùng máu, suy tim, suy đa tạng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thởi.
Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Thị Hà, trên thực tế viêm não mô cầu là bệnh lý có tỷ lệ mắc bệnh khá thấp, bởi đã được phòng bởi “thành trì” vaccine.
“Vaccine chống viêm não mô cầu ở trẻ em rất có sẵn ở các đơn vị tiêm chủng và các gia đình đều được nhân viên y tế tư vấn tiêm chủng cho bé. Tất nhiên đôi khi vẫn có những trường hợp trẻ em chưa được tiêm vaccine này do đó khi tiếp xúc với người mang bệnh, trẻ vẫn có thể bị mắc bệnh” bác sĩ Hà cho biết.
Theo bác sĩ, đã là bệnh được khuyến cáo phải tiêm chủng đều là bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể lây qua hô hấp, khả năng lây lan nhanh. Vì thế, cần có biện pháp dự phòng để giảm nguy cơ bệnh từ một người lây lan rộng ra những người sống xung quanh.
Việc mà bác sĩ lưu ý các cha mẹ, đầu tiên trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia và các vaccine tiêm chủng khác theo tư vấn của nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, khi trẻ có biểu hiện sốt đặc biệt kèm theo triệu chứng phát ban xuất huyết, nôn, đau đầu cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa Nhi để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.
Cũng theo ThS. Nguyễn Thị Hà, hiện nay nhiều loại vaccine về phòng bệnh não mô cầu đem đến hiệu quả cao, có loại có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Bởi vậy, để phòng bệnh cho các em, thì việc tiêm chủng đầy đủ vẫn là yếu tố quan trọng nhất.