Hà Nội: đa lợi ích từ kinh tế trang trại

Kinh tế trang trại là thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt thuộc Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Hơn 1.600 trang trại hoạt động ổn định

Trên quy mô hơn 10ha, ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) đã đầu tư nhiều tỷ đồng để phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản và trồng nhãn. Mô hình kinh tế vườn - ao ứng dụng một số tiến bộ trong xử lý môi trường ao nuôi và thức ăn hỗn hợp.

Hiện, doanh thu từ phát triển trang trại của ông Viện đạt khoảng 7 tỷ đồng/năm. Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cho gia đình, hoạt động ổn định của trang trại còn mang lại thu nhập tốt cho hàng chục lao động địa phương.

Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Mô hình kinh tế trang trại của ông Viện chỉ là một trong tổng số hơn 1.600 mô hình trang trại đang hoạt động ổn định, có hiệu quả trên địa bàn Hà Nội. Những mô hình này đã và đang mang lại nhiều lợi ích về khía cạnh kinh tế - xã hội.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, kinh tế trang trại tiếp tục góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, bước đầu chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp cho thị trường số lượng nông sản lớn với các sản phẩm đa dạng, phong phú.

Kinh tế trang trại còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Từ đó tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn.

Đa dạng hóa loại hình trang trại

Trước đòi hỏi của thị trường về chất lượng sản phẩm, hiện nay nhiều chủ trang trại trên địa bàn Hà Nội đã và đang quan tâm đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện có khoảng 243 trang trại đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa cũng được các trang trại chú trọng, tăng cường. Toàn TP hiện có 277 trang trại xây dựng được mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các đơn vị phân phối.

Dù vậy, khó khăn, hạn chế chưa phải đã hết. Thực tế cho thấy, số lượng trang trại áp dụng công nghệ cao toàn phần hiện nay còn ít. Nhiều trang trại chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên số lượng trang trại có liên kết còn ít…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, việc phát triển kinh tế trang trại đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn của Hà Nội. Qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn nói chung, kinh tế trang trại nói riêng, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND; trong đó quy định cụ thể, chi tiết nhiều nội dung và mức chi hỗ trợ cho các mô hình kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn.

“Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã để giúp các chủ trang trại tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của TP Hà Nội, làm cơ sở phát triển những mô hình kinh tế trang trại theo hướng giá trị cao và bền vững…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nói thêm.

Cùng với giải pháp nêu trên, Sở NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, có giá trị cao và bền vững.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-da-loi-ich-tu-kinh-te-trang-trai.html