Hà Nội đa sắc tại triển lãm 'Những người bạn'

Triển lãm 'Những người bạn' quy tụ những tác phẩm đặc sắc nhất của 8 họa sĩ đến từ ba miền đất nước. Các họa sĩ với phong cách sáng tác và chất liệu đặc trưng riêng của mình, đã đưa đến triển lãm những tác phẩm mang hơi thở và nhịp sống đương đại được sáng tác trong thời gian gần đây.

Triển lãm “Những người bạn” - được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã phần nào đưa không khí thưởng thức nghệ thuật tại đất Thăng Long mang nhiều nét thanh lịch của quá khứ Tràng An xưa thêm tươi mới và rạng rỡ của tháng năm.

Tác phẩm Tuổi Thơ của họa sĩ Trần Đình Khương

Tác phẩm Tuổi Thơ của họa sĩ Trần Đình Khương

Hai họa sĩ đến từ Hà Nội Trần Đình Khương và Đoàn Thúy Hạnh đã làm nên bản “song tấu” nghệ thuật dựa trên chất liệu sơn mài truyền thống với nền tảng kỹ thuật vững chắc và lành nghề. Việc kết hợp giữa kỹ thuật của sơn ta truyền thống với phong cách hội họa hiện đại một cách vô cùng độc đáo đã mang đến những tác phẩm thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của con người Việt Nam.

Với họa sĩ Trần Đình Khương, anh tập trung vào đề tài cá chép và cá chọi, sử dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống kết hợp với phương pháp “thêu hoa dệt gấm” để tạo ra những vùng màu sắc loang chảy, mang lại cảm giác đằm thắm và thanh nhã. Hình tượng cá trong tranh của anh không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là sứ giả đại diện cho ý chí và nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân, phản ánh chiều sâu tâm thức của người Việt.

Họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh lựa chọn đề tài chân dung trẻ thơ và hoa, sử dụng chất liệu sơn mài trên vóc để tăng khả năng biểu đạt màu sắc tươi sáng và biên độ sáng - tối trong tranh. Kỹ thuật này giúp chị thể hiện sinh động thế giới trẻ thơ và thiên nhiên, mang lại cảm giác thanh thản và trong sáng.

Tác phẩm Những Cô Gái Nhỏ Và Sen của họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh

Tác phẩm Những Cô Gái Nhỏ Và Sen của họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Anh, đến từ Hà Nội , đã nhiều năm trung thành lối tả chân mảng tường ngõ vắng, xe đạp... gợi ký ức tuổi thơ. Với Nguyễn Ngọc Anh, hình ảnh xe đạp bên tường cũ, ngõ nhỏ là mảng đề tài mang nguồn cảm xúc bất tận cho anh.

Tác phẩm Lộc Xuân của họa sĩ Nguyễn Ngọc Anh

Tác phẩm Lộc Xuân của họa sĩ Nguyễn Ngọc Anh

Trong tranh Ngọc Anh, những vật vô tri dường như được nhân cách hóa. Nép bên lề cuộc sống hối hả, chúng "kể" về những điều giản dị, những kỷ niệm bị đánh mất theo thời gian. Tranh anh mang cảm giác hoài niệm, tái hiện sinh động nhưng cũng phảng phất chút mơ màng về không gian xưa cũ của phố cũ, nhà cổ, những góc phố Hà Nội trầm mặc rêu phong. Với bảng màu trầm dịu dàng, các gam vàng đất, xám nâu, xanh lá úa, xen kẽ những mảng sáng trắng đục, giống như bụi thời gian phủ lên mọi vật. Có thể nói tranh của Nguyễn Ngọc Anh là một bản giao hưởng ký ức về Hà Nội xưa, được kể bằng kỹ thuật sơn dầu nhiều lớp cực kỳ tinh tế, và mang đậm chất thơ trong từng góc phố, nếp nhà, và chiếc xe đạp cũ kỹ. Không hề ngẫu nhiên khi tranh anh được nhiều người yêu thích và có mặt trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước.

Tác phẩm Vườn Xanh của họa sĩ Phạm Hoàng Anh

Tác phẩm Vườn Xanh của họa sĩ Phạm Hoàng Anh

Họa sĩ Phạm Hoàng Anh, sinh ra tại Hải Phòng nhưng lại học tập, sinh sống và làm việc tại Huế. Cái chất mạnh mẽ và một chút ngang tàng của người vùng biển được hòa lẫn vào không gian bàng bạc quá khứ vàng son của kinh kỳ trầm lắng đã tạo nên một họa sĩ với tâm hồn lãng mạn bay bổng nhưng cũng đầy hiện thực cuộc sống.

Các sáng tác của anh với bảng màu tươi sáng, khỏe khoắn cộng với kỹ thuật tốt trên nền chất liệu hiện đại acrylic trong một loạt các tác phẩm về mùa thời gian, với Xuân, Hạ, Thu…. rồi giao mùa, rồi bố cục thời gian một cách rất trừu trên nền hiện thực ấn tượng đã cho thấy một năng lượng dồi dào mỹ cảm.

Họa sĩ Nguyễn Thị Anh Mi, sinh năm 1972 tại Huế, là một nghệ sĩ nổi bật trong lĩnh vực tranh lụa tại Việt Nam. Tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 1992, chị đã tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật trong nước, bao gồm các triển lãm toàn quốc và triển lãm tranh lụa quốc gia tại Hà Nội vào năm 2005.

Với chùm tác phẩm Chim Giấy tham gia triển lãm lần này, Nguyễn Thị Anh Mi sử dụng kỹ thuật vẽ trên lụa truyền thống, kết hợp với những sáng tạo cá nhân để tạo nên phong cách riêng biệt.

Họa sĩ Đinh Ngọc Thắng đến từ TP Hồ Chí Minh đến triển lãm với chùm tác phẩm với chủ đề “Thiếu nữ và vẻ đẹp Xuân thì”, được sáng tác bằng chất liệu sơn dầu đầy biểu cảm và bảng màu rực rỡ. Bằng bút pháp vững vàng và cách sử lý chất liệu sơn dầu tinh tế, kỹ năng tạo hòa sắc tươi sáng rực rỡ đã mang lại hiệu ứng thị giác sâu và nhiều cảm xúc khi xem tranh. Với chùm tác phẩm “Thiếu nữ & Xuân thì” lần này, họa sĩ một lần nữa thể hiện năng lượng sáng tạo dồi dào, cảm hứng nghệ thuật sâu lắng và kỹ năng sử dụng chất liệu rất nghề của mình.

Họa sĩ Trần Anh Huy, sinh ra tại Huế, học mỹ thuật kiến trúc và sinh sống tại Sài Gòn. Các tác phẩm tham gia triển lãm lần này, Trần Anh Huy đã mang vẻ đẹp trầm tư, cổ kính và đậm chất nhân văn của các di tích văn hóa đất Thăng Long ngàn năm, như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột hay Ô Quan Chưởng… vào tranh của mình. Các di tích trầm mặc đó đã được khoác một vẻ đẹp rực rỡ và tươi sáng trong bảng màu ấn tượng của anh. Một vẻ đẹp mới, một cách nhìn mới cho các địa chỉ văn hóa thủ đô trong hội họa của Huy.

Tác phẩm ACT THREE của họa sĩ Trần Đình Long Vân

Tác phẩm ACT THREE của họa sĩ Trần Đình Long Vân

Tham gia lần này còn có họa sĩ trẻ Trần Đình Long Vân đến từ Hà Nội. Là một nghệ sĩ trẻ sinh năm 2000 và đã hoàn thành chương trình Cử nhân Nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật, Thiết kế và Công nghệ Dun Laoghaire (IADT). Hiện tại, anh đang theo học chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật chuyên ngành Nghiên cứu Hợp tác Nghệ thuật tại cùng một trường.

Vân là một nghệ sĩ đa phương tiện tài năng, có niềm say mê sâu sắc với sự kết nối giữa con người - yếu tố cốt lõi trong tác phẩm của anh. Anh sử dụng đa dạng các chất liệu như màu nước, sơn dầu và sơn mài để tạo nên những hình ảnh độc đáo, thể hiện sự am hiểu của mình về đặc tính và thế mạnh của từng chất liệu.

Việc sinh sống tại cả Việt Nam và Ireland đã hình thành nên nền tảng văn hóa đặc biệt của Trần Đình Long Vân, được phản ánh rõ nét trong nghệ thuật của anh. Trong các tác phẩm, anh ẩn dụ hóa trải nghiệm nội tâm khi thích nghi với một nền văn hóa mới và khát vọng được kết nối, hòa hợp với người khác. Thông qua việc đan xen các gam màu sống động, anh thể hiện những hình ảnh trừu tượng, đa dạng nhưng có sự liên kết, khơi gợi suy ngẫm.

Triển làm “Những người bạn” diễn ra từ ngày 9 - 13/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Minh Tuệ/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/ha-noi-da-sac-tai-trien-lam-nhung-nguoi-ban-20250508133857070.htm