Hà Nội: Dân chung cư kêu cứu vì nước sinh hoạt bị vẩn đục suốt nhiều năm
Sau hơn 3 năm sinh sống tại tòa nhà chung cư Hòa Phát, người dân liên tục chứng kiến nước sinh hoạt có tình trạng vẩn đục, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân.
Phản ánh với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mùi – Trưởng Ban quản trị tòa nhà chung cư Hòa Phát - địa chỉ 70 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai cho biết, mới đây thay mặt cư dân, Ban quản trị tòa nhà đã có ý kiến gửi Công ty cổ phần và đầu tư dịch vụ Hà Nội và Ban quản lý tòa nhà, phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo an toàn sức khỏe cho cư dân.
Theo phản ánh, từ năm 2018 đến nay, rất nhiều hộ dân ghi nhận tình trạng nước sinh hoạt tại căn hộ bị vẩn đục, màu nâu, đen gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý cư dân.
"Mặc dù đã liên hệ với Ban quản lý tiến hành sục rửa đường ống nhiều lần nhưng tình trạng nước bẩn vẫn liên tục tiếp diễn. Do vậy, Ban quản trị nhà chung cư tòa nhà Hòa Phát 70 Nguyễn Đức Cảnh đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ Hà Nội và Ban quản lý tòa nhà rà soát, đánh giá và xử lý dứt điểm tình trạng nước bẩn và phản hồi lại Ban quản trị sớm nhất", nội dung đơn đề nghị nêu rõ.
Anh Bùi Mạnh Tân – thành viên BQT chung cư Hòa Phát cho hay, mặc dù đã có ý kiến nhiều lần, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn không giải quyết dứt điểm khiến cho người dân rất bức xúc.
Anh Tân dẫn chúng tôi đi thăm căn hộ tại tầng 20 để kiểm chứng, chị T., chủ nhà cho hay, từ năm 2019 khi mới về ở, gia đình chị đã gặp phải tình trạng nước vẩn đục, không dám dùng để vo gạo trực tiếp mà phải qua hưệ thống lọc.
"Tình trạng này không diễn ra thường xuyên, mà cứ thi thoảng đột ngột nên tôi cảm thấy bất an. Mới đây, ban quản lý đã sục đường ống ở trong nhà tôi, tuy nhiên tình trạng này có thể vẫn như các lần trước, gia đình mong muốn chủ đầu tư giải quyết dứt điểm để cư đân an tâm sinh sống", chủ nhà ý kiến.
Thành viên BQT cho biết thêm, ngày 23/6 vừa qua, các bên liên quan đã có buổi kiểm tra hiện trạng bể nước ngầm và bể nước trên tầng thượng sinh hoạt của tòa nhà.
Theo biên bản sự việc, sau khi chủ đầu tư thông báo hoàn tất công tác thau rửa bể ngầm (tầng hầm), các bên cùng tiến hành kiểm tra hiện trạng bể, hệ thống đường ống trong bể nước ngầm ghi nhận; trần bể còn các đầu thép buộc trong quá trình thi công bị hoen gỉ chưa được loại bỏ, toàn bộ trần bể, thành bể và đáy bể không có lớp vữa bảo vệ lớp chống thấm và lớp gạch ốp lát như quy định theo bản vẽ thiết kế được thẩm tra, lớp chống thấm tiếp xúc trực tiếp với nước sinh hoạt.
Trong đó, toàn bộ lớp chống thấm xung quanh chân tường bể bị phồng rộp, bong tróc, phần tường bể lớp chống thấm xuất hiện rất nhiều mảng nổ rộp.
Biên bản cũng thể hiện, trong bể có hai loại kết cấu chống thấm khác nhau. Cụ thể; lớp chống thấm vách, sàn bể bằng phương pháp quyét không đồng đều, đã bị mục, bong tróc. Lớp chống thấm vén chân bể bằng phương pháp dán tấm chống thấm bằng keo. Đường nước cấp vào bể, đường nước cấp cho các hộ dân và cấp nước chữa cháy tập trung tại một khoang bể.
Cũng tại biên bản này, phía BQL và CĐT đã ghi nhận sau khi rút nước để vệ sinh bể nước sinh hoạt, vách bê tông bên trong bám cặn đen, sàn bê tông bể nước nhiều cặn bẩn. Lớp chống thấm bể nhiều vị trí bị bong tróc, phồng rộp. Cầu thang lên xuống bể và ống cấp vào, ra bám màu đen vàng. Đường nước cấp vào bể, cấp sinh hoạt và nước chữa cháy tập trung cùng trong một bể.
Liên quan đến sự việc, sáng 29/6, trao đổi với chúng tôi, đại diện chủ đầu tư cho hay, đơn vị đang phối hợp để giải quyết dứt điểm.
Theo vị này, nước sinh hoạt do đơn vị khác cung cấp dịch vụ, tuy nhiên trong quá trình sử dụng không thể tránh khỏi việc lắng cặn.
Về ý kiến phản ánh của cư dân cho rằng, toàn bộ trần bể, thành bể và đáy bể không có lớp vữa bảo vệ lớp chống thấm và lớp gạch ốp lát như quy định theo bản vẽ thiết kế được thẩm tra, lớp chống thấm tiếp xúc trực tiếp với nước sinh hoạt là một trong những nguyên nhân, vị này nói đơn vị đang tiếp tục xác minh.