Hà Nội dẫn đầu về số học sinh đạt giải kỳ thi quốc gia | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội dẫn đầu về số học sinh đạt giải kỳ thi quốc gia; Có nên thu giữ phương tiện giao thông, trong khi người vi phạm mới là chủ thể quyết định hành vi?... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dẫn đầu về số học sinh đạt giải kỳ thi quốc gia

Năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: 184 em đoạt giải, trong đó có 14 giải nhất.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 5 và 6/1/2024 với sự tham gia của gần 6.000 học sinh. Trong số này có 234 học sinh thuộc các trường THPT thành phố Hà Nội. Hà Nội là địa phương có nhiều thí sinh dự thi nhất, tham dự đủ 12/12 môn.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Thành tích này là nỗ lực đặc biệt của các học sinh, các thầy cô giáo cũng như cả ngành Giáo dục Thủ đô. Kết quả này không chỉ khẳng định nỗ lực của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc chú trọng giáo dục mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy các đơn vị trong toàn ngành nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng học sinh đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Hanoimoi

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng học sinh đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Hanoimoi

Trước đó tại, buổi buổi gặp mặt các đội tuyển học sinh giỏi thành phố tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã bày tỏ mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo và các em học sinh tiếp tục trau dồi kiến thức, không được tự bằng lòng với những những gì mình đã có và được thầy cô trang bị.

Với nhiều năm liền dẫn đầu trong các kỳ thi toàn quốc cũng như quốc tế, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô hướng tới chú trọng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của Thủ đô - trung tâm giáo dục, chính trị, văn hóa của cả nước.

Chú trọng đào tạo học sinh thi học sinh giỏi quốc tế cũng là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là phải có chính sách giúp những học sinh này phát huy được tài năng của mình, xem đó là nguồn lực quý xây dựng Thủ đô. Chúng ta luôn dẫn đầu về số học sinh giỏi, nhưng số ở lại để phục vụ các cơ quan công quyền còn ít. Theo TS. Trần Anh Tuấn, những sinh viên học xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa khi được tuyển dụng không qua thi, đấy mới là nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chưa thể coi là nhân tài. Còn phải xem quá trình làm việc có tạo ra được sản phẩm, công trình, có phát kiến được áp dụng và có ích cho xã hội, cho cuộc sống không đã.

Chúng ta đang sửa đổi luật Thủ đô nhằm tạo sự đột phá, vượt trội. Để làm được điều đó, Hà Nội phải thu hút, trọng dụng nhân tài. Bằng những nguồn sẵn có, những nhân tài trẻ cần được ươm, trồng, phát triển trên những môi trường có đủ điều kiện về mọi mặt, được chăm chút bởi những con người có tầm, có tâm và có tài. Thông qua kết quả công việc, quá trình làm việc thì sẽ tìm được nhân tài thực sự phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Có nên thu giữ phương tiện giao thông, trong khi người vi phạm mới là chủ thể quyết định hành vi?

Thực tế, việc thu giữ phương tiện giao thông đã được quy định trong luật. Và rõ ràng, hoạt động này sẽ tăng phần răn đe đối với người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua, với nhiều nghị định, hình phạt mới được áp dụng, việc quá tải các bến bãi trông giữ phương tiện giao thông của lực lượng công an ngày càng gia tăng. Nhiều phương tiện bị bỏ nắng, phơi mưa, hư hỏng, xuống cấp. Thực tế đó, cùng với nguy cơ cháy nổ từ những bãi xe này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, có nên hay không việc thu giữ phương tiện giao thông?

Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2023, đơn vị tạm giữ gần 43 nghìn phương tiện tham gia giao thông gồm ô tô, xe máy và các phương tiện khác. Thời gian qua, với việc đẩy mạnh xử lý vi phạm nồng độ cồn, lượng phương tiện tạm giữ tăng cao. Trong đó, nhiều trường hợp bỏ phương tiện, không chấp hành xử phạt do mức phạt cao, vượt quá giá trị phương tiện dẫn đến tăng số lượng xe vi phạm, gây áp lực lên các bãi tạm giữ phương tiện ở Hà Nội.

Kho tạm giữ phương tiện Hà Anh, ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những bãi tạm giữ xe vi phạm được Phòng CSGT, Công an Hà Nội sử dụng. Ảnh: Tiến Thanh

Kho tạm giữ phương tiện Hà Anh, ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những bãi tạm giữ xe vi phạm được Phòng CSGT, Công an Hà Nội sử dụng. Ảnh: Tiến Thanh

Không chỉ Hà Nội, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một đô thị lớn khác là thành phố Hồ Chí Minh. Điều này khiến nhiều người cho rằng đã tới lúc cần thay đổi phương pháp giải quyết đối với người và phương tiện vi phạm nhằm giảm tải áp lực công việc cho lực lượng chức năng, tránh tình trạng lãng phí tài sản cũng như phòng ngừa những rủi ro không đáng có tại các bãi giữ xe.

Theo các lực lượng chức năng, nhiều phương tiện đã cũ, hư hỏng nhiều trước khi bị xử phạt nên chủ xe bỏ luôn phương tiện, không đến nộp phạt và nhận lại xe. Bên cạnh đó, do quy trình thanh lý phức tạp vì vậy số xe bị tạm giữ quá lâu khiến hư hỏng càng thêm nặng.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông, công an thành phố Hà Nội đề xuất, người điều khiển phương tiện mà vi phạm có thể tự bảo lãnh, bảo quản phương tiện vi phạm thì nó giảm tải được áp lực đối với những kho bãi của lực lượng chức năng mà. Người điều khiển phương tiện là chủ xe thì họ sẽ có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn và từ đó tạo được cái ý thức chấp hành luật giao thông khi tham gia giao thông.

Người dân và cả lực lượng chức năng đều cho rằng, việc cho phép bảo lãnh, để người dân tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông là giải pháp gỡ rối cho tất cả các bên. Việc cho người dân nộp tiền bảo lãnh, tự mang xe về bảo quản vừa giúp họ yên tâm, vừa bớt được một gánh nặng ngân sách, hạ tầng dành cho các bãi tạm giữ xe vi phạm nên chính quyền sẽ được lợi lớn. Bên cạnh đó, việc có thể nộp tiền bảo lãnh để không bị tạm giữ xe cũng sẽ góp phần thu hổi đầy đủ số tiền phạt, tránh tình trạng bỏ phương tiện vi phạm xảy ra như thời gian vừa qua.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông bỏ xe là do mức phạt cao. Mặt khác họ không muốn bị tước giấy phép lái xe. Chúng ta đang số hóa các thủ tục hành chính, trong đó, biển số xe cũng đang được định danh. Do đó, chúng ta có đủ cơ sở để xử lý những vi phạm mà không cần thu giữ xe./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-dan-dau-ve-so-hoc-sinh-dat-giai-ky-thi-quoc-gia-ha-noi-tin-moi-chieu-216613.htm