Hà Nội đánh giá, phân hạng 51 sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mê Linh
Ngày 4/12, Tổ công tác Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đã tiến hành thẩm định 51 sản phẩm nông sản của huyện Mê Linh.
Để triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đã ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND, với mục tiêu đến năm 2020, sẽ có từ 30 – 36 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo và giao phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu tổ chức tập huấn, hướng dẫn, lựa chọn và hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm. Huyện phối hợp với doanh nghiệp tư vấn hoàn thiện sản phẩm, thiết lập hồ sơ trình Hội đồng TP xem xét, phê duyệt tham gia Chương trình OCOP.
Với sự quan tâm của các sở ngành, sự chủ động tích cực của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), đến nay, trên địa bàn huyện Mê Linh đã có 51 sản phẩm của 7 đơn vị hoàn thiện hồ sơ dự thi đánh giá trong ngày 4/12. 7 chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng gồm: Công ty TNHH Vật tư và giống cây trồng Hà Nội (hoa); HTX Bưởi đỏ Đông Cao (bưởi); HTX Nông nghiệp Khánh Phong (trái cây); HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (rau củ các loại); HTX Sản xuất rau an toàn và dịch vụ nông nghiệp Minh Hưng (rau màu các loại); HTX Dịch vụ nông nghiệp Việt Doanh (rau quả các loại); HTX Dịch vụ và thương mại Thành Tâm (bưởi).
Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, so với nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh chậm hơn. Tuy nhiên, địa phương lại đi chậm nhưng chắc. Nếu như theo kế hoạch, huyện chỉ đặt mục tiêu có từ 30 – 36 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, thì đến nay đã có 51 sản phẩm được thẩm định, cấp sao.
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, dù việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ thể chưa thực hiện được, nhưng các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn vẫn tham gia tích cực nhờ công tác thông tin, tuyên truyền khá tốt. Các chủ thể nhận thức được lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP, từ đó chủ động nâng cấp các sản phẩm tham gia.
Ông Nguyễn Văn Chí kỳ vọng bên cạnh 51 sản phẩm được đánh giá, phân hạng ngày 4/12, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể vào phát triển sản phẩm OCOP, góp phần vào mục tiêu chung thực hiện Chương trình của TP Hà Nội.