Hà Nội đặt mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô
'Xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035, thực hiện vùng phát thải thấp. Hồi sinh các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, Cầu Bây - Bắc Hưng Hải', dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội nêu.
Thành ủy Hà Nội vừa công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 - 2030, để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Thành phố phát triển dựa trên 5 trụ cột
Dự thảo báo cáo tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020 – 2025) và thành tựu, tiềm năng, vị thế, uy tín của Thủ đô sau 40 năm đổi mới; quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới (2025 - 2030).
Dự thảo báo cáo đánh giá, qua gần 40 năm đổi mới (1986-2025), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã tạo nên những bước chuyển mình lịch sử, đưa Thủ đô từ một thành phố mang dấu vết chiến tranh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học hiện đại, văn minh, khẳng định vị thế đầu tàu quốc gia. Với nhận thức sâu sắc về đường lối đổi mới của Đảng, Hà Nội đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, đạt thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, thể hiện tính ưu việt của con đường cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh minh họa.
Theo dự thảo báo cáo, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thành phố phát triển dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; Kinh tế số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực, góp phần quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố phát triển bứt phá với tầm nhìn mới, khát vọng mới, tư duy toàn cầu; xây dựng Thủ đô bản sắc, hiện đại và hội nhập, có nền công nghiệp hiện đại, làm chủ một số công nghệ nền, công nghệ nguồn; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, khá giả, với GRDP/người đạt trên 36.000USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; chỉ số đổi mới sáng tạo nằm trong top 100 thành phố hàng đầu thế giới.
Đầu tư khép kín 7 tuyến vành đai, xây dựng 7 cầu qua sông Hồng
Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thành phố Hà Nội xác định 5 lĩnh vực ưu tiên cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó có lĩnh vực giao thông, hướng tới tăng cường kết nối vùng, kết nối giao thông với các tỉnh, tạo mạng lưới phát triển kinh tế cho vùng Thủ đô, tạo hành lang thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... ; phát triển hệ thống giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Thành phố cũng định hướng mở rộng nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, đưa sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc vào khai thác lưỡng dụng; đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai, hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và khởi công đường Vành đai 5 vào quý IV/2027; hoàn thành đường Vành đai 3 phía Bắc, đường nối Sân bay Gia Bình; xác định trục sông Hồng là biểu tượng phát triển mới; xây dựng 7 cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi, Vân Phúc)...
Lĩnh vực ưu tiên tiếp theo là văn hóa, y tế, giáo dục; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số, công nghệ sinh học, thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao; tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc để đưa các dự án chậm triển khai đi vào hoạt động.
Xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô
Thành phố cũng ưu tiên tập trung thực hiện việc bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu. Theo đó, thành phố xác định có giải pháp căn cơ để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, thoát nước, chống úng ngập, xử lý chất thải.
"Xử lý môi trường các con sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét), lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; xử lý rác thải (xây dựng khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Núi Thoong và Châu Can với công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch; xử lý nước thải (xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, Sơn Tây, Yên Sở,...) nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh trên địa bàn", dự thảo báo cáo nêu.
Thành phố cũng ưu tiên đầu tư thực hiện vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải do hoạt động của con người gây ra, xây dựng Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Xây dựng các công viên mới với tỷ lệ bê tông hóa ít nhất, phát triển các mô hình xanh, "rừng trong phố". Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực đề di dời các công trình ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô theo quy hoạch được duyệt để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.
Thành phố sẽ tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hiệu quả. Ưu tiên bảo vệ môi trường, quy hoạch diện tích cây xanh, mặt nước, cải thiện chất lượng không khí. Phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm (theo số liệu các trạm quan trắc chuẩn của quốc gia và thành phố) có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình. Xây dựng hành lang, nêm xanh theo quy hoạch, giảm phát thải khí nhà kính, tham gia thị trường carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035, thực hiện vùng phát thải thấp. Hồi sinh các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, Cầu Bây - Bắc Hưng Hải. Nghiên cứu, xây dựng chương trình (hoặc đề án) chiến lược tổng thể Bảo vệ môi trường và phát triển xanh Thủ đô, tầm nhìn ít nhất 15 - 20 năm", dự thảo báo cáo nêu.